5 thói quen xấu cần thay đổi khi chạy xe

nhahuynh24
Bình luận: 0Lượt xem: 523

nhahuynh24

Moderator
5798792_Cover-chay-xe.jpg

1. Bấm còi và mở đèn pha trong nội thành


Đừng bật đèn pha khi đi trong nội thành. Đèn pha không chỉ khiến người khác chói mắt, gây khó chịu mà còn nguy hiểm. Khi bị đèn pha chiếu vào mắt, bạn sẽ bị giảm tầm nhìn bởi chói, ngoài ra, nếu xuất hiện người đi bộ hay đi xe đạp trong phạm vi rọi của đèn pha ngược chiều, bạn hoàn toàn có khả năng tông trúng họ. Một số người thậm chí không biết đèn pha là gì, cứ sáng là mở thôi. Nếu đi vào những con đường vắng và không có đèn, khi đó hãy bật đèn pha để tăng tầm nhìn nếu cần và hãy tắt ngay nếu bạn thấy có người đi ở chiều ngược lại. Đó vừa là phép lịch sự, vừa là thói quen giúp đảm bảo an toàn.

5798776_Den-pha-tinhte.jpg


Sử dụng còi xe vô tội vạ cũng là vấn nạn, không chỉ đối với người đi xe máy mà cả người đi ô tô cũng vậy. Mình có 1 quan niệm thế này. Thời gian mà bạn dùng tay để bấm còi và nghĩ rằng người khác sẽ né bạn đủ để bạn có thể tập trung vào việc lái xe và xử lý tình huống một cách chủ động hơn. Mình nghĩ rằng kể từ khi biết lái xe máy tới giờ, số lần mà mình sử dụng còi chắc không quá 20 lần.

5798768_Thoi-quen-chay-xe-tinhte-6.jpg


Một số tài xế ô tô cho rằng “bạn phải ngồi trong ô tô mới biết xe máy chạy ẩu thế nào, phải bóp còi thì người ta mới biết đường né”. Nhưng thực tế, mình đã ngồi trên ô tô của khá nhiều anh em xung quanh mình, admin cuhiep - người có kinh nghiệm 10 năm lái BMW, mod Tùng Trịnh, từng là người lái xe ben công trình, giờ là bimmer. Không ai trong số họ có thói quen bấm coi để các phương tiện khác né cả. Mình tin người tử tế không ai dùng còi vô tội vạ.

2. Không sử dụng xi-nhan


5798769_Thoi-quen-chay-xe-tinhte-1.jpg


Đèn xi-nhan hay đèn báo rẽ là trang bị cực kỳ quan trọng đối với các phương tiện giao thông. Theo quan sát của mình, 98% người lái ô tô có sử dụng xi-nhan khi chuyển làn, chuyển hướng hoặc rẽ. Còn đối với xe máy, tỷ lệ này giảm xuống chắc còn 70%. Tình huống phổ biến nhất đó là người lái xe máy có thể rẽ từ đường bên này sang bên kia mà không có tín hiệu xi-nhan.

Ngoài ra, một trường hợp phổ biến khác là thay vì mở xi-nhan rồi quan sát, cho xe di chuyển một cách dứt khoát và hợp lý sang hướng cần đi thì không, một số người thực hiện động tác mở xi-nhan và sang đường cùng lúc. Điều này cực kỳ nguy hiểm và xi-nhan thời điểm đó gần như không còn tác dụng và không có ý nghĩa.

Theo Nghị định 100, các mức phạt khi bạn không sử dụng đèn xi-nhan như sau:

Đối với ô tô:
  • Chuyển làn không xi-nhan, không tín hiệu: phạt 400-600k
  • Chuyển làn không xi-nhan, không tín hiệu trên cao tốc: phạt 3-5 triệu, tước GPLX 1-3 tháng
  • Chuyển hướng không xi-nhan, không tín hiệu: phạt 800k - 1 triệu
Đối với xe máy:
  • Chuyển làn không xi-nhan, không tín hiệu: phạt 100-200k
  • Chuyển hướng không xi-nhan, không tín hiệu: phạt 400k - 600k.

3. Không sử dụng kính chiếu hậu

5798784_Thoi-quen-chay-xe-tinhte-5.jpg


Nhìn chiếc xe, đánh giá được cách chạy xe cũng là một trong những quan niệm của cá nhân mình. Ví dụ mình ra đường thấy chiếc xe máy của ai đó không có gương chiếu hậu hoặc lắp những kiểu gương nhỏ xíu dùng để đối phó cho có thì mình không nghĩ rằng họ có cách chạy xe an toàn và không ảnh hưởng đến người khác. Nhìn lại phía sau thông qua gương hậu khi chuyển hướng là thói quen chạy xe đã hình thành với mình từ những ngày đầu. Nếu một chiếc xe mà không có trang bị này, mình rất khó để có thể vận hành mà cảm thấy yên tâm. Có 2 kiểu người chạy xe không gương mà mình biết.

Đầu tiên là nhóm lái xe rất yếu, xe có thể có gương nhưng không dùng tới, thường không biết chỉnh gương để phù hợp góc nhìn. Nhóm này sẽ tạo nguy hiểm cho cả bản thân và người khác vì thường sẽ không quan sát khi sang đường, không biết được đằng sau có xe hay không. Ngoài ra, thời gian để ngoái đầu lại nhìn chắc chắn nhiều hơn và nguy hiểm hơn so với 1 cái liếc mắt sang gương chiếu hậu để quan sát. Nhóm thứ 2 không gắn gương thường là “hung thần xa lộ”, những người chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng,…Nhìn chung, để là 1 người chạy xe bình thường, an toàn, bạn nên tập thói quen sử dụng kính chiếu hậu. Kính chiếu hậu theo xe lúc nào cũng là cái tốt nhất về tầm nhìn và là cái mà chúng ta nên sử dụng.

Theo Nghị định 100, việc chạy xe không gương chiếu hậu sẽ được xử lý như sau:
  • Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển.
  • Phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự có gương chiếu hậu nhưng không có tác dụng.

4. Chạy chậm giữa đường

5798781_Thoi-quen-chay-xe-tinhte-4.jpg


Hãy bỏ ý nghĩ cho rằng chạy chậm là an toàn. Nếu bạn nhất định phải chạy chậm, tốt nhất là chạy sát vào lề phải. Việc chạy chậm giữa đường không những khiến bạn trở thành trở ngại của luồng giao thông mà còn đe doạ đến an toàn của bạn. Hãy chạy nhanh nhưng cũng nên đảm bảo rằng bạn không vượt quá tốc độ cho phép trong nội thành. Ngoài ra, hãy chạy ở một tốc độ mà bạn nghĩ rằng mình hoàn toàn còn quyền kiểm soát chiếc xe và xử lý tình huống khi cần thiết.

5. Căng thẳng với người khác

Nếu bạn không rơi vào những tình huống quá gấp, như cấp cứu, trễ họp đến mức sắp mất việc làm,…thì nên ưu tiên một điều khi tham gia giao thông: kiên nhẫn. Sẽ có những tình huống mà bạn lẽ ra sẽ được đi, chẳng hạn như đèn đỏ có biển báo cho phép rẽ phải, tiểu đảo…nhưng lại có xe chắn ngang. Mình hiểu rằng đó là sự thiếu hiểu biết của họ trong giao thông, nhưng bạn cũng đừng nên nôn nóng.

5798782_Thoi-quen-chay-xe-tinhte-3.jpg


Bạn bấm còi, bạn quát tháo để được đi sớm hơn vài giây, vài chục giây, thì cuộc đời bạn cũng không thay đổi được gì. Những hành vi đó cho thấy bạn là người thiếu kiên nhẫn, kém trong việc quản lý cảm xúc và những người như vậy thường khó làm việc gì thành công trong cuộc sống. Hãy luôn giữ cái đầu lạnh và bình tĩnh khi tham gia giao thông.

Khi bạn gặp tình huống đối đầu với xe khác và 2 bên phải thắng gấp, đừng nhìn vào mắt nhau, cứ nhìn vào bánh xe trước và lách ra rồi đi theo hướng của mình. Nếu tình huống căng thẳng hơn, nên gật đầu xin lỗi họ một cái vì đừng bao giờ hơn thua xem ai đúng ai sai, điều đó chỉ mang lại cho bạn hiểm hoạ nếu đụng phải dân chơi. Nếu va chạm xảy ra, điều đầu tiên là xin lỗi và hỏi han người khac nếu thấy bản thân không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Từ “xin lỗi” có ý nghĩa xoa dịu rất lớn, kể cả người mà bạn đâm phải là ai đi chăng nữa. Nếu tình huống căng thẳng hơn, lúc này bạn mới cần đến sự trợ giúp của công an gần đó.

Chúc anh em lái xe an toàn và vui vẻ.

Theo: Tinhte.vn
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên