Đánh giá bộ đôi Radeon RX 6600 và 6600 XT - tối ưu cho game ở 1080p

nhahuynh24
Bình luận: 0Lượt xem: 1,030

nhahuynh24

Moderator
5701802_cover_rx6600.jpg


Radeon RX 6600 là dòng card giá rẻ nhất hiện tại của AMD có hỗ trợ Ray Tracing. Phiên bản 6600 XT hiện có giá tầm 16 triệu đổ lại trong khi RX 6600 tầm 13 - 14 triệu, cả 2 đều hướng đến nhu cầu chơi game ở độ phân giải 1080p. Mình đang xài cả 2 chiếc card này và chia sẻ thêm với anh em dưới đây.

Navi 23 có gì khác biệt?


Tưởng rằng RX 6600 XT sẽ tiếp tục sử dụng GPU Navi 22 với một biến thể cắt giảm nhân thì AMD đã phát triển Navi 23 dành riêng cho card đồ họa phân khúc giá dưới 400 đô (giá MSRP). RX 6600 XT sử dụng biến thể Navi 23 XT, theo cách đặt tên của AMD thì XT sẽ là phiên bản gần đầy đủ nhất. So với Navi 22 thì Navi 23 nhỏ hơn đáng kể về mặt kích thước khi diện tích của nó là 237 mm2 trong khi Navi 22 là 335 m2. Số lượng bán dẫn của nó cũng vì thế mà còn 11,06 tỉ bóng trong khi Navi 22 là 17,2 tỉ bóng.


5701806_Navi_23.jpg


Navi 23 XT có 32 CU từ đó cho 2048 nhân Stream và vì dùng kiến trúc RDNA 2.0 nên Navi 23 cũng được trang bị các nhân Ray Accelerator với 32 nhân. Navi 23 XT còn được trang bị bộ đệm Infinity Cache nhưng dung lượng là 32 MB - chỉ bằng một nửa so với Navi 22 trên RX 6700 XT nhưng mình nghĩ thiết kế này cân bằng với hiệu năng của Navi 23.

RX 6600 sử dụng biến thể Navi 23 XL với 28 CU, 1792 nhân Stream và 28 nhân Ray Accelerator, ít hơn 4 nhân so với Navi 23 XT của RX 6600 XT. Phần còn lại, Navi 23 XL trên RX 6600 khá là giống với Navi 23 XT trên RX 6600 XT với bộ đệm Infinity Cache 32 MB nhưng bộ đệm L2 giảm xuống còn 2 MB thay vì 3 MB.



Một điểm cắt giảm nữa trên RX 6600 XT so với RX 6700 XT là bộ nhớ, dù nó được trang bị 8 GB bộ nhớ GDDR6 với tốc độ vẫn là 16 Gbps nhưng bộ nhớ này kết nối qua bus 128-bit từ đó băng thông bộ nhớ chỉ còn 256 GB/s. RX 6600 cũng có 8 GB GDDR6, cùng bus có độ rộng 128-bit như RX 6600 XT nhưng AMD trang bị cho nó loại bộ nhớ GDDR6 tốc độ 14 Gbps, băng thông cũng vì thế giảm xuống còn 224 GB/s. Thế nhưng đừng quá lo lắng về băng thông bộ nhớ trên RX 6000 series bởi RDNA 2 đã có Infinity Cache, băng thông của bộ đệm này rất cao và đây là giải pháp độc đáo của AMD nhằm tránh phải sử dụng bus nhớ 512-bit vốn ăn điện và bộ nhớ tốc độ cao để có được băng thông bộ nhớ lớn. 922 GB/s tổng băng thông Infinity Cache và GDDR6 16 Gbps trên RX 6600 XT hay 890 GB/s trên RX 6600 là đủ đối với hiệu năng của Navi 23 cũng như nhu cầu xử lý game ở 1080p mà không lo bị nghẽn băng thông.


Thông số AMD Radeon RX GPU

Hiệu năng FP32 của RX 6600 XT và RX 6600 lần lượt là 10.6 TFLOPS và 8.928 TFLOPS. Khoảng cách chênh lệch khoảng 1.6 TFLOPS, không quá lớn như giữa RX 6700 XT với RX 6600 XT.


5701983_tinhte_rx6600-4.jpg


Cả 2 phiên bản RX 6600 XT và RX 6600 mình đang xài là của PowerColor - một hãng chuyên làm card đồ họa AMD. Mức giá bán lẻ của dòng RX 6600 XT và RX 6600 tại Việt Nam mình kiểm tra qua thì lại chỉ chênh nhau trong khoảng 2 triệu đồng. Như bản PowerColor Fighter RX 6600 XT hiện có giá tầm 14 - 15 triệu đồng trong khi đó bản Fighter RX 6600 không XT có giá tầm 13 - 14 triệu.

5701984_tinhte_rx6600-8.jpg


Cả 2 bản RX 6600 XT và 6600 đều có thiết kế 2 quạt đơn giản, dual slot, dày 39 mm và dài 200 mm. Vì vậy dòng card này cũng khá lý tưởng để anh em chơi mini-ITX. Hệ thống tản nhiệt với heatsink khá dày, hệ thống 3 ống đồng với các ống đồng tiếp xúc trực tiếp để tăng hiệu quả dẫn truyền nhiệt. 2 quạt trên card là quạt 2 trục bi độ bền cao.

5701986_tinhte_rx6600-5.jpg


Nếu anh em mê đèn RGB thì PowerColor Fighter RX 6600 XT/6600 sẽ không đáp ứng được điều này bởi nó không có đèn đóm. Ngoài ra, chiếc card cũng không có backplate bằng kim loại, mặt sau của card để lộ bo mạch trần. Nếu anh em lo ngại về rủi ro hỏng hóc thì có thể chế một miếng backplate che lại. Mình thì vẫn ưu tiên card có backplate hơn, nó sẽ chống cong vênh bo mạch cũng như giảm rủi ro khi dàn nước của anh em bị rò.

5701987_tinhte_rx6600-6.jpg


Cổng trình xuất trên 2 phiên bản RX 6600 XT và RX 6600 đều gồm có 3 cổng DisplayPort 1.4 và 1 cổng HDMI 2.1. Dòng RX 6600 XT/6600 hỗ trợ PCIe 4.0 nhưng chỉ dùng 8 lane tức băng thông tương đương PCIe 3.0 x16. Nó cũng không cần PSU công suất quá lớn, RX 6600 XXT có TGP tối đa 160 W còn RX 6600 là 132 W, vì vậy nguồn tầm 450 W là đủ. Nó cũng chỉ cần 1 chân cắm 8 pin PCIe.

Hiệu năng của RX 6600/6600 XT

5701988_tinhte_rx6600-7.jpg


Lần này mình test cả 2 mẫu card trên một dàn máy Intel, cấu hình bao gồm:

  • CPU: Intel Core i9-11900K (Rocket Lake-S) 8 nhân 16 luồng, 5,3 GHz;
  • RAM: 2 x 8 GB DDR4-3600 T-Force Xtreem 3200 CL14;
  • SSD: 1 TB T-Force Cardea C440 PCIe 4.0 x4 + 1 TB WD AN1200 PCIe 3.0 x8;
  • PSU: Cougar 850 W.
AIDA64 GPU Benchmark

Navi 23 XT của RX 6600 XT cho thấy hiệu năng rất ổn trong phân khúc khi nó đạt năng lực xử lý FP32 gần 10.8 TFLOPS, cao hơn RX 5700 XT lẫn RTX 2070 Super, đúng như thông số được công bố. Nhờ bộ đệm Infinity Cache, tốc độ truyền tải dữ liệu trên hệ thống bộ nhớ của RX 6600 XT rất cao, anh em có thể thấy trong phần Memory Copy - luân chuyển dữ liệu giữa các vùng bộ nhớ như GDDR6 và bộ đệm. Có một điều thú vị đó là hiệu năng xử lý thuật toán SHA-1 HASH của RX 6600 XT cao hơn cả RX 6700 XT và điều này khiến mình nghĩ rằng chiếc card này không sớm thì muộn cũng sẽ bị thợ đào tiền ảo mua sạch, anh em phải nhanh tay.

Trong khi đó, RX 6600 đạt hiệu năng FP32 ở tầm 9.2 TFLOPS, ngang với GTX 1080 và thua tầm 0.6 TFLOPS so với RTX 2070 Super. Hệ thống bộ nhớ GDDR6 trên RX 6600 cũng cho tốc độ truy xuất cao dù đã bị cắt giảm, băng thông của InfinityCache vẫn lớn.


3DMark - DX11/12 Graphics Score

Với 3DMark, RX 6600 XT cho hiệu năng đồ họa DirectX 11 với bài test FireStrike ở độ phân giải FHD và 2K ngang ngửa với RTX 2080 Super, chỉ thua đôi chút so với RTX 3060 Ti, bỏ xa RTX 3060. Có thể nói RX 6600 XT vẫn là chiếc card rất mạnh với game DirectX 11. Thế nhưng với DirectX12 thì khoảng cách về hiệu năng giữa RX 6600 XT với RTX 3060 bị rút ngắn lại, nó cũng thua RTX 2080 Super vã bị RTX 3060 Ti bỏ xa. Khi chơi game có hỗ trợ cả DirectX 11 lẫn 12 thì anh em có thể chỉnh qua lại giữa 2 API để có được tỉ lệ khung hình tốt nhất.

3DMark - Ray Tracing/DLSS

RX 6600 XT có 32 nhân Ray Accelerator, RX 6600 có 28 nhân Ray Accelerator để xử lý Ray Tracing và hiện tại thì AMD cũng đã có công nghệ FidelityFX Super Resolution như DLSS của NVIDIA để khử răng cưa và tăng độ chi tiết cho đồ họa game khi chơi ở phân giải cao trong khi không phải đánh đổi quá nhiều về fps. Dù vậy thì công nghệ này vẫn chưa có nhiều tựa game hỗ trợ, bản thân công cụ 3DMark cũng chưa hỗ trợ nên anh em có thể thấy kết quả benchmark trên phản ánh hiệu năng xử lý thuần, chưa có sự can thiệp của FidelityFX.

Chơi game ở FHD & 2K

RX 6700 XT trước đó mình đã thử chơi game ở 2 độ phân giải FHD và 2K thì nó dư sức kéo game đồ họa tối đa ở phân giải 2K và mấp mé ở 4K. RX 6600 XT và RX 6600 ở phân khúc gaming 1080p nên mình kỳ vọng nó chúng đủ sức để cho trải nghiệm chơi game tốt ở độ phân giải này, từ game eSport đến AAA:

RX 6600 XT Game Test FHD & 2K

Với các game có Ray Tracing, RX 6600 XT với 32 nhân Ray Accelerator là vừa đủ để anh em có thể trải nghiệm game với thiết lập đồ họa tối đa, thiết lập Ray Tracing chất lượng cao nhất ở độ phân giải FHD. Các tựa game như Control, Shadow of Tomb Raider, Metro Exodus mình đều chơi thử ở đồ họa tối đa, Ray Tracing tối đa và RX 6600 XT đã có thể mang lại tỉ lệ khung hình xấp xỉ 60 fps trung bình. RX 6600 cũng có thể cho hiệu năng Ray Tracing khá tốt ở độ phân giải FHD khi tỉ lệ khung hình cũng gần 60 fps. Nếu anh em vẫn muốn trải nghiệm Ray Tracing thì với RX 6600/6600 XT thì chỉ cần giảm chất lượng Ray Tracing xuống Medium là có thể có tỉ lệ khung hình trên 60 fps, ít nhất là với 3 tựa game AAA mà mình test. Nếu tắt Ray Tracing, RX 6600 XT và RX 6600 cho tỉ lệ khung hình rất cao với đồ họa tối đa trên cả 3 tựa game này. Các tựa game này đều không hỗ trợ công nghệ FidelityFX Super Resolution để cải thiện tỉ lệ khung hình, vì vậy kết quả trên phản ánh sức mạnh xử lý phần cứng đơn thuần của các nhân Ray Accelerator.

Nếu thử so kết quả này với RTX 3060 Ti hay RTX 3060, mình ví dụ như tựa game Control nếu bật Ray Tracing tối đa nhưng không bật DLSS thì RTX 3060 Ti cũng chỉ đạt tỉ lệ khung hình tầm 44 fps, Metro Exodus thì đạt tầm 70 fps. Trong khi đó với RTX 3060 thì nó chỉ có thể cho tầm 30 fpos với Control và 53 fps với Metro Exodus. DLSS là thứ khiến dòng RTX 30 series được được lợi thế về xử lý game với Ray Tracing, FidelityFX Super Res là giải pháp đối trọng của AMD nhưng tiếc là AMD tung nó ra quá trễ và hệ sinh thái game dùng công nghệ này chưa nhiều nhưng đang tăng qua thời gian. Những cía tên mới đã hỗ trợ FidelityFX Super Res đáng chú ý là Far Cry 6, Godfall, Resident Evil Village, Deathloop, World War Z: Aftermath, Chernobylite, F1 2021 và Dota 2.

Với các tựa game còn lại dùng API Vulkan, DirectX12 thì RX 6600 XT như nằm giữa RTX 3060 và RTX 3060 Ti về mặt hiệu năng đồ họa game ở độ phân giải 1080p lẫn 1440p. Thậm chí nó còn vượt hiệu năng của RTX 3060 Ti ở một số game dùng Vulkan API như Wolfenstein: Young Blood.


Xung, điện và nhiệt

Furmark Stress 4K

Stress test bằng Furmark 4K, RX 6600 XT bản PowerColor Fighter này rất mát mẻ. Về cơ bản TGP của RX 6600 XT tối đa chỉ 102 W khi chạy bài test này, khi nghỉ ở 3 W nên chiếc card chỉ cần 2 quạt tản nhiệt hay thậm chí là 1 quạt theo thiết kế tham chiếu của AMD. Với 2 quạt chạy ở tốc độ tối đa chỉ chưa đến 1400 rpm thì RX 6600 XT khi stress giữ mức nhiệt độ không quá 72 độ C, cả về nhiệt độ lẫn tiếng ồn đều rất lý tưởng và mình lại càng nghĩ nó phù hợp cho những chiếc máy mini ITX. Xung nhịp của RX 6600 XT đạt 2657 MHz, cao hơn RX 6700 XT hay RX 6800 XT và cao hơn cả những GPU của Nvidia.

5701991_CONTROL_6600XT.jpg


Với game có Ray Tracing như CONTROL, RX 6600 XT sẽ ăn gần 130 W nhưng nhiệt độ của GPU cũng chỉ ở tầm 75 độ C, 2 quạt trên card quay ở tốc độ 1550 rpm, tiếng ồn rõ ràng hơn nhưng vẫn không khó chịu. Tương tự với tựa game Wolfenstein: Youngblood, đồ họa Mein Leben! Tối đa với Ray Tracing, RX 6600 XT cũng ăn 130 W, nhiệt độ GPU cũng chỉ tầm 75 độ C.

Trong khi đó, RX 6600 bản PowerColor Fighter này lại nóng hơn một chút dù hiệu năng thấp hơn so với RX 6600 XT. Mình nghĩ là do nó có heatsink mỏng hơn dù số lượng ống đồng bằng nhau. Bản RX 6600 có nhiệt độ khi nghỉ ở 49 độ C với tầm 4 W TGP, khi stress test bằng Furmark 4K, nhiệt độ tối đa 74 độ C, ăn tầm 97 W. 2 quạt tản nhiệt quay ở tốc độ 1460 rpm.


5701993_CONTROL_6600.jpg


Khi chơi CONTROL có Ray Tracing, chiếc card này cũng chỉ ăn tối đa 100 W nhưng nhiệt độ GPU lên đến 80 độ C, tốc độ quạt ở 1550 rpm.

Nhìn chung, sau vài tuần sử dụng 2 chiếc card này thì mình nhận thấy RX 6600 XT và RX 6600 đều cho hiệu năng tốt ở phân khúc card đồ họa chơi game ở độ phân giải 1080p theo như định hướng thị trường của AMD. Ở tầm giá 13 - 15 triệu đồng, RX 6600 XT hay RX 6600 đều cho hiệu năng/giá tốt vào thời điểm này khi mà card đồ họa vẫn đang khan hiếm. Với mức giá chênh lệch chưa đầy 2 triệu đồng, mình nghĩ RX 6600 XT đáng mua hơn so với RX 6600. Tuy nhiên, vấn đề lúc này vẫn là nơi nào còn hàng, mình dạo quanh một vòng các trang bán hàng thì RX 6600 XT gần như đã hết, RX 6600 vì mới ra mắt nên vẫn còn hàng và giá thì cũng ngang RX 6600 XT. Vì vậy chúng ta không được thoải mái lựa chọn vào lúc này.

Theo: https://tinhte.vn/thread/danh-gia-bo-doi-radeon-rx-6600-va-6600-xt-toi-uu-cho-game-o-1080p.3425157/
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên