Gián đoạn trong sản xuất của Apple đã ảnh hưởng đến nhiều đối tác cung cấp và phân phối của hãng này tại Trung Quốc.
Theo Securities Daily, nguồn cung eo hẹp và các biện pháp kiểm soát chi phí trong bối cảnh thiếu chip và linh kiện do đại dịch đang đè nặng lên vai đối tác cung ứng cho Apple. Vấn đề này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các công ty phụ thuộc quá nhiều vào hãng điện tử Mỹ. "Việc trở thành nhà cung cấp của Apple giờ đây không còn là sự đảm bảo cho sự tăng trưởng đột phá trong kinh doanh", trang này bình luận.
Theo Securities Daily, nguồn cung eo hẹp và các biện pháp kiểm soát chi phí trong bối cảnh thiếu chip và linh kiện do đại dịch đang đè nặng lên vai đối tác cung ứng cho Apple. Vấn đề này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các công ty phụ thuộc quá nhiều vào hãng điện tử Mỹ. "Việc trở thành nhà cung cấp của Apple giờ đây không còn là sự đảm bảo cho sự tăng trưởng đột phá trong kinh doanh", trang này bình luận.
Một số khách hàng trẻ trải nghiệm iPhone tại Apple Store ở Los Angeles vào tháng 11. Ảnh: AP
Nhiều nhà cung cấp linh kiện điện tử cho Apple đang có quý tài chính nửa cuối 2021 không như mong đợi. Trong đó, Lens Technology - công ty cung cấp ống kính và các thành phần liên quan cho iPhone - thông báo lợi nhuận quý III/2021 giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 988,8 triệu nhân dân tệ (155,3 triệu USD). Shenzhen Sunway Communication, chuyên cung cấp hệ thống ăng-ten thu phát trên di động, lãi 305 triệu nhân dân tệ (48 triệu USD), giảm 26,8% trong cùng kỳ.
Shenzhen Deren Electronic, công ty điện tử đối tác của Apple tại Thâm Quyến, ghi nhận lỗ 65 triệu nhân dân tệ (10,2 triệu USD), tương đương mức giảm 227% so với cùng kỳ năm trước. Suzhou Victory Precision Manufacture, chuyên cung cấp các module và linh kiện pin, lỗ 30 triệu nhân dân tệ (4,7 triệu USD), lợi nhuận giảm 176%.
"Trong bối cảnh giá nguyên liệu thô tăng và khủng hoảng chuỗi cung ứng, Apple đã tiếp tục nén biện độ lợi nhuận của đối tác lại để giảm chi phí. Điều này càng gây áp lực lớn hơn cho các nhà cung cấp", Lin Zhi, nhà phân tích của Wit Display, nhận xét.
Hầu hết đối tác cung ứng của Apple đưa ra kết quả tài chính kém khả quan vào tháng 10 khi mà công ty đang thiếu hụt hàng triệu đơn vị iPhone so với mục tiêu sản xuất ban đầu. Khủng hoảng chuỗi cung ứng xảy ra do tình trạng giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia đặt nhà máy sản xuất, việc cắt giảm điện ở Trung Quốc và căng thẳng Mỹ-Trung.
Apple chưa đưa ra bình luận.
Trước đó, Nikkei trích dẫn nguồn tin từ chuỗi cung ứng rằng trong hai tháng 9 và 10, sản lượng iPhone 13 giảm 20% so với kế hoạc sản xuất, kể cả khi Apple yêu cầu đối tác ưu tiên tất cả các thành phần cần thiết cho mẫu smartphone mới nhất. Cùng thời gian, sản lượng iPad giảm hơn 50% - mức thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi sản lượng iPhone đời cũ hơn cũng giảm 25%.
Những năm trước, để kích thích tiêu dùng, Apple thường hạ giá một số mẫu iPhone vào dịp mua sắm cuối năm. Tuy nhiên, dẫn một số kênh phân phối thiết bị Apple, Securities Daily cho biết nhiều khả năng loạt smartphone này sắp tới sẽ tăng giá do nguồn cung khan hiếm.
Apple hiện là một trong những công ty có nhiều nhà cung cấp nhất tại Trung Quốc. Trong 3 năm qua, hãng cũng bổ sung số lượng đối tác mới lớn hơn bất cứ doanh nghiệp nào khác. Đầu năm nay, Apple thêm 52 tên mới vào danh sách, 15 trong số đó ở Trung Quốc. Trong năm 2020, có 200 công ty cung ứng linh kiện cho Apple, 98% liên quan đến vật liệu, sản xuất và lắp ráp. Gần 80% các nhà cung cấp này có ít nhất một địa điểm sản xuất ở Trung Quốc.