Hàn Quốc chuẩn bị triển khai thí điểm hàng nghìn camera AI nhận diện khuôn mặt để truy vết người mắc Covid-19, bất chấp lo ngại về quyền riêng tư.
Dự án thí điểm được chính phủ nước này cấp ngân sách và sẽ được triển khai từ tháng 1/2022 ở thành phố Bucheon, nằm ở ngoại ô thủ đô Seoul và có mật độ dân cư cao nhất nước, quan chức thành phố cho hay.
Hệ thống dùng thuật toán AI và nhận diện khuôn mặt để phân tích các hình ảnh thu thập từ gần 11.000 camera an ninh, theo dõi hoạt động đi lại của người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc, cũng như liệu họ có đeo khẩu trang hay không.
Dự án thí điểm được chính phủ nước này cấp ngân sách và sẽ được triển khai từ tháng 1/2022 ở thành phố Bucheon, nằm ở ngoại ô thủ đô Seoul và có mật độ dân cư cao nhất nước, quan chức thành phố cho hay.
Hệ thống dùng thuật toán AI và nhận diện khuôn mặt để phân tích các hình ảnh thu thập từ gần 11.000 camera an ninh, theo dõi hoạt động đi lại của người nhiễm Covid-19 và người tiếp xúc, cũng như liệu họ có đeo khẩu trang hay không.
Người dân tại một ga tàu điện ngầm ở Seoul hôm 8/12. Ảnh: Reuters
Chính phủ nhiều nước đang ứng dụng công nghệ và thúc đẩy quy định pháp lý nhằm kiểm soát đà lây nhiễm. Theo báo cáo hồi tháng 3 của Trường Luật Columbia (New York), Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan, Nhật Bản và nhiều bang tại Mỹ đã triển khai hoặc thử nghiệm hệ thống nhận diện khuôn mặt trong việc truy vết.
Giới chức thành phố Bucheon cho biết dự án có thể giảm gánh nặng cho đội ngũ truy vết, giúp hoạt động hiệu quả và chính xác hơn.
Hàn Quốc đã triển khai một số giải pháp truy vết công nghệ cao, tận dụng dữ liệu từ thẻ tín dụng, định vị điện thoại và hình ảnh camera an ninh, cùng nhiều thông tin khác để theo dõi ca nhiễm. Tuy nhiên, phần lớn công việc vẫn đổ lên vai các nhà điều tra dịch tễ học.
Thị trưởng Bucheon Jang Deog-cheon cuối năm 2020 khẳng định hệ thống dùng AI sẽ hỗ trợ truy vết nhanh hơn. "Đôi khi mất nhiều giờ chỉ để phân tích tư liệu từ một máy quay. Công nghệ nhận diện hình ảnh giúp điều này được thực hiện trong chớp nhoáng", ông nói. Hệ thống cũng giúp giải quyết việc các nhóm truy vết phải phụ thuộc chủ yếu vào khai báo của bệnh nhân, trong bối cảnh nhiều người không sẵn lòng tiết lộ hoạt động và lộ trình đi lại của mình.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Thông tin Truyền thông Hàn Quốc nói chưa có kế hoạch mở rộng dự án ra quy mô toàn quốc, đồng thời nhấn mạnh mục đích là số hóa một phần công việc thủ công của các nhóm truy vết hiện nay. Hệ thống tại Bucheon có thể đồng thời truy vết của 10 người trong vòng 5-10 phút, giảm đáng kể thời gian so với mức trên dưới một giờ mỗi người của nhóm truy vết thủ công.
Thành phố Bucheon đã được chính phủ cấp ngân sách 1,36 triệu USD và tự chi thêm 500.000 USD cho dự án.
Nỗi lo bị theo dõi
Phần lớn công chúng Hàn Quốc ủng hộ phương án theo dõi và truy vết hiện nay, nhưng một số nhà lập pháp bày tỏ lo ngại chính phủ có thể dùng dữ liệu cá nhân của người dân ngoài mục đích ngăn chặn đại dịch.
Giới chức Bucheon bác bỏ lo ngại về riêng tư, khẳng định hệ thống sẽ tự động làm mờ khuôn mặt những người không trong trong diện truy vết. "Hệ thống chỉ theo dõi những bệnh nhân được xác nhận dựa trên Đạo luật Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm. Chuyên viên truy vết tuân thủ các điều luật và không có nguy cơ lộ dữ liệu hay xâm phạm riêng tư", quan chức thành phố nói.
Theo quy định, bệnh nhân phải đồng ý trước khi hệ thống nhận diện khuôn mặt được sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống vẫn có thể truy dấu họ dựa trên dáng cơ thể và trang phục.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) khẳng định công nghệ này hợp pháp, miễn là nó tuân thủ những quy định về kiểm soát dịch bệnh.