Với tốc độ 320 - 600 km/h, những con tàu nhanh nhất thế giới như tàu đệm từ hoặc tàu viên đạn khiến thời gian di chuyển giữa các thành phố rút ngắn đáng kể.
Tàu đệm từ Thượng Hải, Trung Quốc: 460 km/h
Tàu công cộng nhanh nhất hiện nay là tuyến duy nhất trên thế giới chở khách bằng công nghệ đệm từ (maglev) thay vì dùng bánh thép trên đường ray thông thường. Kết nối sân bay Phố Đông ở Thượng Hải với ga đường Long Dương ở trung tâm thành phố, con tàu có tốc độ thương mại tối đa 460 km/h, hoàn thành hành trình 30 km chỉ trong 7,5 phút. Dựa theo công nghệ của Đức, tàu đệm từ lướt dọc tuyến đường trên cao, những nam châm mạnh nhất cung cấp hành trình siêu êm nhờ giảm tối đa lực ma sát. Trung Quốc đã phát triển tàu đệm từ tốc độ 600 km/h và dự kiến xây dựng mạng lưới bao gồm tuyến đường giữa Thượng Hải và Hằng Châu. Ảnh: Costfoto/Barcroft Media
Tàu Fuxing CR400, Trung Quốc: 350 km/h
Tàu CR400 Fuxing chạy ở tốc độ thương mại tối đa 350 km/h nhưng có thể chạy nhanh tới 420 km/h trong thử nghiệm. Tàu Fuxing được phát triển từ các thế hệ tàu cao tốc trước đó dựa trên công nghệ nhập khẩu từ châu Âu và Nhật Bản. Bao gồm 16 toa với sức chứa tối đa 1.200 hành khách, dòng tàu này trang bị nhiều công nghệ mới như giải trí tại chỗ, màn hình hiển thị thông minh, sạc không dây, vận hành tự động. Phiên bản tàu CR400 nhanh nhất đang hoạt động trên tuyến Bắc Kinh - Thượng Hải - Hong Kong và Bắc Kinh - Cáp Nhĩ Tân. Ảnh: Chogo/Xinhua
Tàu ICE3, Đức: 330 km/h
Tàu InterCity Express (ICE) của Đức là dòng tàu tốc độ cao chạy trên nhiều tuyến đường. Tuy nhiên, phiên bản nhanh nhất là tàu ICE3 tốc độ 330 km/h đã hoạt động từ năm 1999. Cỗ máy được chế tạo để chạy trên tuyến đường cao tốc Cologne - Frankfurt dài 180 km, rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 2,5 giờ xuống còn 62 phút từ năm 2002. Tốc độ vận hành thông thường là 300 km/h nhưng tàu ICE3 có thể tăng tốc lên 330 km/h khi chạy vào tối muộn. Tàu đạt tốc độ 368 km/h trong thử nghiệm. Tàu có hiệu suất cao nhờ 16 motor điện phân bố dọc 8 toa tàu, cung cấp lực đẩy 11.000 mã lực. Ảnh: Philipp von Ditfurth
Tàu TGV, Pháp: 320 km/h
Suốt 40 năm qua, tàu Train a Grand Vitesse (TGV) đã tiến hóa qua vài thế hệ trong quá trình mở rộng mạng lưới. Con tàu chạy với tốc độ 320 km/h trên một số tuyến đường sắt cao tốc từ Paris tới Lyon, Marseille, Bordeaux, Nantes, Strasbourg, Lille, Brussels và London. Công nghệ tàu TGV cũng được xuất khẩu sang các nước Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Đài Loan, Marocco, Italy và Mỹ trong 30 năm qua. Ảnh: Thomas Coex/AFP
Tàu JR East E5, Nhật Bản: 320 km/h
Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu thế giới về đường sắt cao tốc với tàu Shinkansen nổi tiếng. Trong khi phần lớn tàu Shinkansen hiện nay vận hành với tốc độ tối đa 300 km/h, tàu viên đạn E5 của công ty Đường sắt miền đông Nhật Bản (JR East) chạy ở 320 km/h trên tuyến Tohoku Shinkansen từ Tokyo tới Shin-Aomori. Mỗi tàu có 731 ghế và 32 động cơ điện từ cung cấp lực đẩy 12.900 km/h. Được chế tạo từ hợp kim nhôm siêu nhẹ, tàu E5 có hệ thống treo thích ứng cho phép tàu rẽ theo đường cong ở tốc độ cao. Phần mũi dài của tàu được thiết kế để giảm tiếng nổ siêu thanh khi tàu chạy vào đường hầm. Ảnh: Kiyoshi Ota/Bloomberg
Tàu Al Boraq, Morocco: 320 km/h
Đường sắt cao tốc đầu tiên và duy nhất ở châu Phi khánh thành vào tháng 11/2018, nối thành phố cảng Tangier với Casablanca ở Morocco. Đây là tuyến đầu tiên thuộc mạng lưới cao tốc 1.500 km của quốc gia này. Tàu Al-Boraq chạy ở tốc độ 320 km/h trên đoạn đường sắt dài 186 km giữa Tangier và Kenitra. Trong thử nghiệm vào năm 2017, tàu Al-Boraq đạt tốc độ lên tới 357 km/h, lập kỷ lục nhanh nhất trên lục địa châu Phi. Ảnh: Duffour/Andia/Universal Images Group
Tàu AVE S-103, Tây Ban Nha: 310 km/h
Tàu AVE, viết tắt từ cụm Alta Velocidad Espana (Cao tốc Tây Ban Nha) thường vận hành ở tốc độ thương mại tối đa 310 km/h. Hai phiên bản nhanh nhất trong dòng là tàu S-102 Talgo và S-103 Velaro. Với tốc độ tối đa 350 km/h và sức chứa 404 hành khách, tàu S-103 chạy giữa hai thành phố lớn nhất của Tây Ban Nha cùng với tàu Talgo S-102. Hồi tháng 7/2006, tàu S-103 đạt tốc độ 404 km/h, kỷ lục trong ngành đường sắt Tây Ban Nha. Ảnh: Oriol Paris/Moment Editorial/Flickr Vision