Ba mươi năm về trước, nhà nghiên cứu chính trị Joseph Nye đã thay đổi hoàn toàn lối tư duy truyền thống khi cho rằng, sức mạnh của một quốc gia không chỉ nằm ở “quyền lực cứng”, tức là quy mô sức mạnh quân đội, mà còn liên quan tới cả “quyền lực mềm” nữa. Theo chính lời của Nye, ông cho rằng quyền lực mềm được thể hiện “khi một quốc gia hiểu một quốc gia khác cần gì, trái ngược hoàn toàn với sức mạnh để đòi hỏi các nước khác tuân theo yêu cầu của họ.”
Hiểu theo nghĩa đơn giản, quyền lực mềm là sức hấp dẫn, còn quyền lực cứng là sức mạnh quân sự. Theo học thuyết của Nye, những nước có nền văn hóa, kinh tế, khoa học và đạo đức nổi bật “đều sẽ có sức mạnh tương đối," biến tầm ảnh hưởng đó trở thành lợi ích cho đất nước, mà không phải dùng đến súng đạn, lính tráng hay vật chất. Nữ hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị là một ví dụ tiêu biểu của quyền lực mềm. Nhưng giờ đây khái niệm ấy cũng bao hàm những thứ khác, từ Hollywood, sushi, Louis Vuitton hay những địa danh du lịch.
Và ở Mỹ, những “thương hiệu" đã giúp cường quốc này sở hữu quyền lực mềm quy mô rất lớn: Michael Jordan, Harvard, New York, Broadway, Starbucks… Những năm gần đây, thứ sức mạnh ấy đang chuyển dịch sang những tiến bộ của công nghệ. Suy cho cùng, những tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất, Amazon, Google, Apple, Facebook… đều đến từ nước Mỹ. Những người giàu có đều dùng iPhone, những cỗ máy tính của các tập đoàn tỷ Đô đều cài Windows, và những yếu nhân giờ đều tương tác với mọi người bằng Twitter hay Instagram.
Nói cách khác, hoàn toàn có thể nghĩ rằng nền công nghệ toàn cầu vận hành dựa trên khung nền do người Mỹ tạo ra. Và dù có sống ở đâu đi chăng nữa, những luật lệ và góc nhìn của người Mỹ đều đang đi đến từng ngóc ngách, cho dù góc nhìn đó liên quan đến quyền riêng tư, việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa, v.v…
Và nếu có ngành nghề nào ở Mỹ thu hút nhiều công dân “xuất khẩu lao động” nhất, đó hẳn phải là Silicon Valley. Khoảng 40% lập trình viên phần mềm ở Mỹ là dân nhập cư. Hình mẫu đó đang khiến nhiều cường quốc khác cố tìm cách học hỏi, từ Đức, Úc cho đến cả Nga. Tất cả đều có chung một câu hỏi, rằng “làm thế nào chúng ta bắt chước được thành công của Silicon Valley ở quê nhà?”
Các chính trị gia Mỹ đã đúng ở một điểm, sản phẩm xuất khẩu tuyệt vời nhất của đất nước họ chính là công nghệ. Nhưng nan đề xuất hiện khi câu hỏi được đưa ra, rằng sẽ ra sao nếu quyền lực mềm công nghệ của Mỹ không phải là một sản phẩm giúp nhân loại tiến bộ? Liệu có khả năng nào quyền lực mềm của nước Mỹ bị chính những thành tựu của họ ảnh hưởng tiêu cực?
Đó không phải giả thuyết, mà đang là thực tế.
Tác động xấu của công nghệ đã được ghi nhận một cách vô cùng chi tiết: Tin giả ở Ấn Độ, che đậy cuộc diệt chủng ở Myanmar, ISIS tuyên truyền ở Anh Quốc. Châu Âu đang buộc các tập đoàn khổng lồ như Apple hay Google chịu trách nhiệm vì trốn thuế và vi phạm quyền riêng tư, còn Amazon thì đang bị Anh điều tra vì ngược đãi nhân công. Cùng lúc, tác động vô cùng tiêu cực của công nghệ đối với trẻ em cũng đang bị đưa vào tầm ngắm.
Càng lúc, “quyền lực mềm” công nghệ lại đang dần dịch chuyển trở thành “quyền lực cứng”. Nhà Trắng đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải, khi sức mạnh siêu cường của Mỹ càng lúc càng phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của các tập đoàn công nghệ. Năm 2012, Joseph Nye đưa ra một lập luận như thế này, “uy tín là nguồn tài nguyên khan hiếm nhất." Nếu uy tín của các tập đoàn công nghệ không còn, liệu Mỹ có khả năng ngăn chặn những hành vi sai trái mà các tập đoàn đến từ chính quốc gia ấy?
Toàn bộ bối cảnh này gợi nhớ đến hội nghị COP26 vừa được tổ chức ở Glasgow, Scotland. Tranh luận được đưa ra như thế này, bản thân chính phủ những nước giàu có phải chịu trách nhiệm bởi hành vi của chính những tập đoàn xăng dầu và năng lượng của nước họ hay không? Đó là một câu hỏi gây tranh cãi. Thực tế là, khi tổn thất về kinh tế của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng, thì các tập đoàn năng lượng đang góp phần tàn phá môi trường trông sẽ giống khoản nợ hơn là tài sản của một quốc gia.
Không như những gã khổng lồ trong ngành dầu khí, ngành công nghệ Mỹ, chí ít là ở thời điểm hiện tại, đang không đóng vai trò gây ra một cuộc khủng hoảng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự tồn vong của con người. Đến giờ, chúng ta vẫn thấy những sản phẩm công nghệ của họ có ích, vẫn thấy chúng tạo ra được lợi nhuận khổng lồ, và vẫn giúp ích cho con người ở khía cạnh tích cực. Từng thấy những hình ảnh con người bị ngược đãi, quay bằng iPhone, rồi sau đó tải lên YouTube, Facebook hay WhatsApp.
Nhưng khi những tập đoàn công nghệ như Meta làm ngơ, hay tệ hơn là lợi dụng kích động bạo lực ở các quốc gia khác để kiếm lời từ quảng cáo, chắc chắn những hành vi ấy sẽ khiến mọi người nghĩ tiêu cực về hình ảnh của nước Mỹ. Và nếu Mỹ còn muốn tiếp tục xây dựng quyền lực mềm dựa vào các gã khổng lồ công nghệ, thì họ cũng cần phải chịu trách nhiệm với những khuyết điểm tồn tại, đơn giản vì danh tiếng của nước Mỹ phụ thuộc vào điều đó.
Không thiếu những nhà lập pháp và hành pháp ở Washington muốn đưa các tập đoàn công nghệ khổng lồ vào tầm ngắm, để đưa ra những khung bộ luật giúp quản lý tốt hơn các tập đoàn càng lúc càng có quy mô lớn. Kết hợp những dự thảo luật chống độc quyền với định hướng điều chỉnh thuế doanh nghiệp mà các cường quốc ở hội nghị G20 đang đàm phán, chí ít thì chính phủ Mỹ cũng đang muốn kiểm soát những cái tên lớn nhất ở Silicon Valley. Nhưng đó mới chỉ là những động thái trong nước. Để bảo vệ danh tiếng của “quyền lực mềm nước Mỹ”, có lẽ họ cũng phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại mà Facebook hay YouTube đã và đang gây ra ở nước ngoài, nếu không muốn cách nhìn của cộng đồng quốc tế thay đổi trong khoảng chục năm nữa.
Vậy thì kiểm soát thứ quyền lực mềm có độ phủ toàn cầu này như thế nào?
Bên cạnh việc kiểm soát cách các tập đoàn mạng xã hội lớn theo dõi và điều chỉnh nội dung chia sẻ trên mạng, các chính phủ cũng có giải pháp yêu cầu các tập đoàn lớn chia sẻ thông tin về cách sản phẩm của họ được mọi người sử dụng, đặc biệt là đối với nguy cơ lạm dụng các nền tảng này để trục lợi, phá hoại, chia sẻ tin giả hoặc chia rẽ. Các tập đoàn công nghệ có nhiều quyền lực hơn chúng ta tưởng, và khá chắc chắn rằng họ cũng biết rõ điều đó.