Vì sao Koenigsegg không đem siêu xe của họ tranh tài trên đường đua?

tientran156
Bình luận: 0Lượt xem: 274

tientran156

Moderator
Nhân viên
1.jpg


Nhắc đến những công ty xe hơi có nhiều đột phá về mặt công nghệ nhất hành tinh, không thể bỏ qua Christian von Koenigsegg và hãng xe cùng tên đến từ Thụy Điển. Ấy vậy mà hiện giờ có một nghịch lý. Giữa lúc các thương hiệu gắn liền với thị trường siêu xeô tô thể thao đều tranh tài trong các giải đua uy tín, từ Porsche, McLaren, Aston Martin cho đến Ferrari, thì Koenigsegg hoàn toàn không tham gia bất kỳ hạng mục thể thao tốc độ nào trên toàn thế giới.

Nhưng cách đây 14 năm, họ cũng đã từng thử một lần.

Thời điểm ấy, Koenigsegg là một thương hiệu non trẻ, dù được thành lập từ tận năm 1994, nhưng mãi đến năm 2002, chiếc xe đầu tiên mới được ra mắt, CC8S. Sau đó ít lâu, Koenigsegg cũng có kế hoạch phát triển một chiếc xe tuân theo thể lệ GT1 của FIA, đưa vào tham gia chặng đua khốc liệt nhất, 24h of Le Mans. Nhưng rồi mọi chuyện đổ bể, và mẫu xe đua của Koenigsegg chẳng được tham gia một sự kiện nào. Vừa rồi bản thân Christian cũng đã chia sẻ với Road and Track câu chuyện phía sau tham vọng chinh phục 24h of Le Mans cách đây 14 năm.
2.jpg

Chiếc xe được tạo ra để tham dự thể thức GT1 của Koenigsegg có tên CCGT, với dáng vẻ rất giống với chiếc CCR, mẫu xe thương mại thứ hai của hãng. Nhưng bản thân nguồn gốc của CCGT còn xa hơn, với thiết kế dựa trên bản mẫu CC, concept đầu tiên mà Koenigsegg tạo ra. Bản thân CC và CCGT, theo Koenigsegg, được thiết kế để phục vụ đúng một mục tiêu, tranh tài ở thể thức GT1 dựa trên những điều luật mà FIA tạo ra: Bề ngang xe dài tối đa 2 mét, buồng lái có không gian chiếm 70% chiều dài của cả chiếc xe. Với trọng lượng đúng 1 tấn, CCGT sẽ phải lắp tạ để đảm bảo trọng lượng tối thiểu khi đua, vì con số này thấp hơn so với trọng lượng tối thiểu của xe GT1, theo luật lệ của FIA. Đặt ở giữa hai cầu xe là khối động vơ V8 hút khí tự nhiên, tạo ra sức mạnh 600 mã lực.

Thế nhưng chỉ hai tháng sau khi CCGT có màn ra mắt chạy thử, ACO và FIA, đơn vị tố chức và đơn vị quản lý giải 24h of Le Mans đổi ý. Họ cấm xe GT1 sử dụng chất liệu sợi carbon để làm thân monocoque trong xe. Đây lại là chất liệu định hình nên chiếc CCGT, cũng như mọi chiếc xe khác của Koenigsegg. Không chỉ dừng lại ở đó, các nhà quản lý giải đua còn yêu cầu các hãng xe muốn tham gia thể thức GT1 phải sản xuất ít nhất 350 mẫu xe thương mại chạy được trên đường, thay vì 20 như trước đó. Con số này là thứ một hãng xe nhỏ như Koenigsegg không thể làm được. Và thế là CCGT trở thành cỗ máy tốc độ bị loại bỏ trước cả khi nó được lăn bánh tham gia bất kỳ giải đua nào.
3.jpg

Nhắc lại chuyện cũ, Christian von Koenigsegg nói: “Chúng tôi khi ấy nhắm đến thể thứ GT1, bộ luật lệ quá hoàn hảo với những chiếc xe của chúng tôi: Siêu xe biến thành xe đua. Rồi họ thay đổi luật ngay đúng thời điểm chúng tôi chuẩn bị đem xe đi tranh tài, khá là khó chịu. Kể từ đó tới nay, chưa có một thể lệ nào khác có sự tương đồng mà phù hợp với chúng tôi đến mức ấy.”

Luật thay đổi khiến chiếc CCGT không còn chỗ đứng trong các giải đua: “Ngay cả khi chúng tôi được phép thi đấu ở thể thức cao nhất hiện giờ, thì vẫn phải đối mặt với Porsche 911 và Ferrari 488.” Đó là những chiếc xe đua thuộc thể thức GT3 hoặc GTE được phát triển riêng, chỉ có dáng vẻ giống với xe thương mại còn bên trong là khối động cơ, thiết kế và khí động học khác biệt hoàn toàn. Mỗi chiếc này bán cho các đội đua tư nhân với giá 500.000 USD mỗi chiếc.

Ngay cả khi Koenigsegg muốn tạo ra một chiếc GT3 hoặc GTE dựa trên siêu xe thương mại họ bán ra thị trường, thì Christian cũng lo ngại rằng “điều khoản cân bằng sức mạnh sẽ giới hạn công suất và khả năng vận hành của xe, một giải pháp để khiến cuộc đua trở nên công bằng. Khi ấy, chiếc xe của chúng tôi sẽ trở thành một cỗ máy siêu đắt, chi phí sửa chữa vận hành cao hơn cả 911, mà có khi còn bị 911 đánh bại vì luật cân bằng sức mạnh, trong khi xe Koenigsegg và Porsche có định hướng khác nhau hoàn toàn. Chẳng có lý gì đem xe đi thi đấu với những thương hiệu như thế bây giờ cả.”
4.jpg

Cũng có một tia hy vọng với các fan của “Ghost Squadron”, huy hiệu của phi đội không quân Thụy Điển, những người đề nghị Koenigsegg đưa huy hiệu của họ vào những chiếc siêu xe khi Christian thuê lại mặt bằng nhà kho cũ của không quân nước này. FIA mới đây đã giới thiệu thể thức Hypercar, dường như hướng tới những hãng sản xuất siêu xe đắt tiền như Koenigsegg. Nhưng Christian vẫn tỏ ý hoài nghi: “Dĩ nhiên là bây giờ đã có thể thức Hypercar ở Le Mans, nhưng rốt cuộc nó chẳng khác gì thể thức LMP trước đó, bình mới nhưng rượu cũ, kiểu vậy.”

Nói đến khả năng sẽ thi đấu những bộ môn thể thao tốc độ trong tương lai, Christian von Koenigsegg cho rằng, rất khó để họ tham gia trong tình trạng điều luật như hiện tại: “Giải pháp thay thế đối với chúng tôi là tạo ra một bản Prototype chẳng có chút liên quan gì đến xe thương mại, và đó là thứ tôi không quan tâm. Tôi muốn thấy sự trở lại của thể thức GT1, tôi muốn thấy Bugatti, Pagani và Koenigsegg tranh tài với nhau, bằng những chiếc xe thương mại được tinh chỉnh và trang bị những công nghệ tối tân nhất. Tôi không muốn tham gia thể thức silhouette nơi mọi chiếc xe đều có khung sườn và động cơ giống hệt nhau. Đồng ý là ước mơ của tôi sẽ rất đắt đỏ, vì mức giá của mỗi cỗ máy tốc độ, nhưng nếu có thể thức ấy, chúng tôi sẽ được phát triển những cỗ xe đua dựa trên kiến thức và nền tảng chúng tôi đã có. Các hãng khi ấy cũng có thể khoe khoang những sản phẩm mà giới siêu giàu có thể mua. Đó là ước muốn của chúng tôi, nhưng cũng không chắc có trở thành hiện thực được không.”

5.jpg

Nhắc đến GT1, những siêu xe được tinh chỉnh nhẹ từ phiên bản thương mại, cũng phải nhắc tới thành công của McLaren F1 GTR. Dáng vẻ của nó chẳng khác mấy so với chiếc F1 huyền thoại, và ở bên trong vẫn là khối động cơ V12 6.1L của BMW phát triển. Sức mạnh của nó đã giúp McLaren giành chiến thắng ở chặng đua 24h of Le Mans năm 1995, khi về đích chung cuộc sau 298 vòng đua, đánh bại cả chiếc Courage C34 Prototype, chỉ bằng một chiếc xe thương mại, thay đổi chút ít thiết kế thân xe và khí động học.

Theo: tinhte.vn
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên