Người chuyên vạch trần những dự án tiền mã hóa lừa đảo

nhahuynh24
Bình luận: 0Lượt xem: 369

nhahuynh24

Moderator
Sau khi mất hơn 8.000 USD vì coin rác, một người đàn ông đã thành lập nhóm chuyên truy lùng những dự án tiền mã hóa có dấu hiệu lừa đảo, đưa ra cảnh báo dành cho các nhà đầu tư.

Chia sẻ câu chuyện của mình với Bloomberg, Robert Browning, người đàn ông 52 tuổi sống tại phía nam bang Indiana (Mỹ) đã kể về quá trình từ nạn nhân của vụ lừa đảo trở thành người tìm kiếm và vạch trần các dự án gian lận trên thị trường tiền mã hóa.

Ông từng đầu tư vào một loại coin rác có tên Altex. Ngày 11/7, số tiền mã hóa của Browning giảm giá trị đột ngột từ 8.200 USD xuống chỉ còn 86 USD.

b551447f556cdbd6cedb8f37d1716c4021abbef9.jpg

Robert Browning đã lập ra nhóm săn lùng các dự án tiền mã hóa lừa đảo sau khi bị mất hơn 8.000 USD. Ảnh: Bloomberg.

“Tôi ngồi ngay trên chiếc ghế này, chứng kiến khoản tiền trị giá 8.200 USD biến thành 86 USD. Tôi có cảm giác nghẹn ở cổ họng mình, không thể nuốt trôi điều đó. Nó là thứ tệ hại nhất”, Robert Browning kể lại câu chuyện của ông.

Trở thành người đi săn​

Sau sự việc, Browning lập ra một nhóm chuyên săn lùng những dự án tiền mã hóa lừa đảo mang tên RugSeekers. "Chúng tôi là một nhóm chuyên nghiệp, siêng năng và giàu kinh nghiệm, cam kết giúp loại bỏ gian lận và tham nhũng khỏi không gian tiền điện tử", thông điệp trên trang web của RugSeekers giới thiệu.

Ông Browning và các đồng nghiệp tìm kiếm thông tin về coin đáng ngờ qua nhóm trò chuyện Telegram hoặc những chủ đề được bàn tán trên mạng xã hội. RugSeekers cũng cho phép người dùng phản ánh thông qua trang web.

Bài viết của Bloomberg mô tả cách nhóm "cảnh sát coin” tìm hiểu thông tin về tiền mã hóa có tên "We Save Moon" khi nhận thấy những điều bất thường. Họ kiểm tra mã nguồn, ví và biểu đồ giá của nó để tìm dấu hiệu gian lận.

rugseekers_bloomberg.jpg

Khi kiểm tra lệnh trên blockchain, nhóm RugSeekers nhận thấy cứ mỗi giao dịch, nhà phát triển lại thu khoảng 90 USD tiền phí. Đây là cách họ "rút ruột" số dư ví của nhà đầu tư dần dần. Ảnh: Bloomberg.

Browning tham gia nhóm trò chuyện dành cho các nhà đầu tư vào "We Save Moon" trên Telegram. Ông dùng bí danh RobAte25 và bắt đầu hỏi các MOD (người kiểm duyệt) của dự án. Trong lúc đó, một thành viên khác của RugSeekers cũng âm thầm gia nhập, đưa ra thắc mắc về tính năng của đồng tiền này.

Câu hỏi của cả 2 người thường không nhận được lời giải thích rõ ràng, thay vào đó, các MOD khuyến khích thành viên tiếp tục mua thêm, giúp cho đồng tăng giá và dẫn lại bài viết được ghim trong nhóm.

Cuối cùng, sau nhiều lần đặt ra câu hỏi trực tiếp về tính minh bạch của dự án, đồng thời công khai việc đến từ RugSeekers, họ đã bị xóa khỏi nhóm trò chuyện trên Telegram.

Browning đã đăng một bài viết cảnh báo trên Twitter và nhận được khoảng 4.000 lần xem. Tuy nhiên, ông cho rằng đó chỉ là một vụ việc bình thường trên thị trường tiền mã hóa rộng mênh mông.

“Miền Tây hoang dã” trong thế giới kỹ thuật số​

Theo Bloomberg, trong nửa đầu năm nay, các nhà đầu tư đã mất 681 triệu USD vì trộm cắp, hack và gian lận tiền mã hóa lớn. Trong đó, các vụ hack liên quan đến nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi) chiếm 54%.

1800x_1.jpg

RugSeekers đưa ra cảnh báo về các dự án tiền mã hóa có dấu hiệu lừa đảo trên Twitter. Ảnh: Bloomberg.

Chỉ trong 7 tháng đầu năm, số tiền thiệt hại do các vụ tấn công nhằm vào DeFi đã đến mức 361 triệu USD, cao gấp gần 2,8 lần cả năm 2020 (129 triệu USD).

Con số này có vẻ nhỏ nếu đem so sánh với tiêu chuẩn của Phố Wall, nhưng trong thế giới tiền mã hóa non trẻ, nhiều nhà đầu tư nghiệp dư đặt cược bằng tất cả khoản tiền tiết kiệm đã tích lũy từ lâu, thiệt hại sẽ tác động rất lớn đến cuộc sống của họ.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý tài chính Mỹ vẫn loay hoay với những giao dịch lớn, chưa có cơ chế phù hợp dành cho thị trường tiền mã hóa.

Vào tháng 8, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), Gary Gensler, cảnh báo thị trường tiền mã hóa “đầy rẫy gian lận, lừa đảo và lạm dụng”, rất nhiều người sẽ bị tổn thương nếu chính phủ không tăng cường bảo vệ nhà đầu tư.

Các nhà chức trách của nước này cũng đã yêu cầu một số công ty cung cấp dịch vụ DeFi phải giải trình, bổ sung thêm thông tin về hoạt động của họ.

Tuy nhiên, các vụ việc do SEC xem xét thường mất vài tháng hoặc thậm chí nhiều năm để đưa ra kết luận vì họ có nghĩa vụ tôn trọng các quyền hợp pháp của đối tượng theo luật thủ tục tố tụng.

Với nguồn lực hạn chế, cơ quan quản lý không thể theo dõi mọi vụ lừa đảo trong thời gian thực, đặc biệt là với thế giới DeFi phát triển chóng vánh.

“Hiện tại, chúng tôi không thể bảo vệ đầy đủ cho các nhà đầu tư tiền mã hóa. Thành thật mà nói, vào thời điểm này, nó giống miền Tây hoang dã hơn”, Gary Gensler phát biểu trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 8.

Nguồn: zingnews.vn
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên