5 điều mình muốn nói với bản thân tuổi 20

nhahuynh24
Bình luận: 0Lượt xem: 480

nhahuynh24

Moderator
5779093_di_du_lich.jpeg


Mình năm nay 31 tuổi. Kể từ thời sinh viên năm nhất, năm hai thì đã hơn 10 năm trôi qua rồi và mình đã có những trải nghiệm quý giá trong cuộc sống. Bây giờ nhìn lại, nếu có thể nói với bản thân mình năm 20 tuổi, mình muốn nhắn nhủ với mình 5 điều sau:


1.Hãy quan tâm tới sức khoẻ nhiều hơn

Thời sinh viên, đặc biệt là một hai năm đầu, mình rất ít quan tâm tới sức khoẻ. Một phần lý do là vì học hành bận rộn. Mình học Bách Khoa, năm đầu tiên học chương trình chung rồi thi đánh giá kết quả để phân ngành học. Do áp lực phân ngành nên mình thường xuyên thức thâu đêm, nhiều khi tới 3, 4 giờ sáng. Hôm sau, người rất lờ đờ, mệt mỏi. Nếu không học thì mình cũng lên mạng, xem phim chứ ít khi chịu đi ngủ sớm.
Tuổi trẻ không có gì ngoài sức khoẻ nên mình mặc sức tiêu xài nó. Sau này khi “có tuổi” rồi, khi bắt đầu gặp một số vấn đề về sức khoẻ như là đau vai gáy, hay bị ốm vặt, mình mới thấy trước đây mình đã không coi trọng sức khoẻ của mình như thế nào? Mỗi lúc mình ốm, vật vờ mấy ngày liền, mình lại tự trách bản thân quá chủ quan với sức khoẻ của mình. Tiếng Anh có một cụm từ rất hay là “take something for granted” nghĩa là bạn coi cái gì đó là mặc nhiên mình được hưởng nhưng nhiều khi những điều đó không tự nhiên mà có. Thì trong trường hợp này mình đã take my health for granted.

Mình thường tập thể dục bằng việc chạy bộ mỗi ngày

chay-bo.jpg


Có một câu nói cũ nhưng luôn đúng “Có sức khoẻ là có tất cả!”. Sau này mình đã để ý tới sức khoẻ nhiều hơn bằng việc ăn ngủ đúng giờ giấc và cố gắng tập thể dục mỗi ngày.
Và sức khoẻ của mình thực sự đã cải thiện hơn rất nhiều. Mình đã ít ốm vặt đi hẳn, cảm thấy có nhiều năng lượng hơn trong công việc, cuộc sống.

2. Học nhầm ngành cũng không có gì phải quá lo sợ

Lại nói về việc phân ngành trong trường Bách khoa. Sau năm nhất thì mình quyết định chọn ngành công nghệ thông tin vì đơn giản là ngành này nó hot, sau này ra trường lương cao. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn mình đã nhận ra là mình chọn nhầm ngành mất rồi. Hay nói đúng hơn là mình chọn nhầm trường đại học luôn rồi. Mình không thích tất cả các môn học trong ngành. Ngồi học thì mình phải cố tỉnh táo cho qua tiết vì nhiều khi không hiểu gì. Có một số môn mình chỉ đủ điểm để qua. Mình đã nhiều lúc bế tắc, suy nghĩ có nên học một văn bằng hai,cái mà mình hứng thú hơn là du lịch hoặc là ngoại ngữ hay không nhưng nghĩ lại khối lượng kiến thức ngành quá nhiều, mình sẽ không thể kham nổi nên laị tặc lưỡi cố học xong để lấy được cái bằng. Thời gian stress nhất của mình là lúc làm đồ án tốt nghiệp với rất nhiều áp lực. Áp lực từ việc hoàn thành đồ án, áp lực thi qua môn để ra được trường và áp lực tìm việc khi ra trường khi mà mình không biết sẽ xin việc ở đâu.
Và cũng may là mình đã ra được trường đúng hạn với tấm bằng khá. Sau khi ra trường mình không dùng tấm bằng đó để xin bất cứ việc gì liên quan đến ngành mình học. Cái bằng (ngoài tác dụng làm kê chuột) thì chỉ có một tác dụng khác duy nhất với mình lúc đó: mình cần bằng đại học để xin được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế!!! Theo quy định lúc đó thì để được cấp thẻ hdv du lịch quốc tế, mình cần có bằng đại học, chứng chỉ hướng dẫn viên du lịch và chứng chỉ ngoại ngữ. Vâng và từ một thằng sinh viên kỹ thuật, mình quay ra làm một thằng hướng dẫn viên - Hai thứ không thể trái ngược hơn và có lẽ mình sẽ vẫn gắn bó và sống tốt với nghề hướng dẫn nếu không vì đại dịch Covid tràn đến.
Qua câu truyện trên mình muốn nói là việc bạn chọn phải ngành học mình không thích cũng không phải là vấn đề quá lớn. Biết đâu chính việc đó lại giúp bạn nhận ra được sở thích, đam mê của mình và sẽ quyết tâm theo đuổi nó hơn?

3. Hãy đọc sách nhiều hơn

Thực sự là trong suốt thời cấp 3 tới những năm đầu đại học, số sách mình đọc được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tất nhiên là không tính các sách phụ vụ học tập. Mình bắt đầu đọc sách nhiều chỉ trong khoảng vài ba năm gần đây. Trung bình cứ 1 đến 2 tuần, mình đọc xong 1 cuốn sách và như vậy trong 1 năm mình đọc được khoảng 30 cuốn. Và thực sự việc đọc sách đã làm thay đổi cuộc đời mình. Đọc sách giúp mình thay đổi cách suy nghĩ, biết nhìn cuộc sống đa chiều hơn, suy nghĩ có trách nhiệm hơn. Như trước đây, mình luôn coi mình là trung tâm, mỗi khi có điều gì xảy ra thì luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng bây giờ, thông qua việc đọc sách, mình nhận ra rằng mọi điều xảy đến với mình đều là do những hành động của mình mà ra. Mình chính là người làm chủ cuộc đời của mình do đó mình là người chịu trách nhiệm cho những việc xảy ra với mình.

dọc-sách-1024x576.jpg


4. Hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể

Hồi sinh viên mình cảm thấy rằng thời gian của mình quá ít, hết học trên lớp rồi về nhà tự nghiên cứu. Rồi còn ôn thi, học thêm. Nhưng khi mình đi làm, lập gia đình rồi có con mình mới nhận ra rằng hồi đó mình có nhiều thời gian rảnh làm sao. Khi bạn thực sự muốn làm một cái gì đó, bạn sẽ tìm ra được thời gian dành cho nó. Còn khi bạn muốn né tránh không làm thì bạn cũng sẽ tìm được muôn vàn lý do để biện hộ. Do đó, các bạn sinh viên ngoài thời gian học hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể. Ví dụ như làm part-time, làm tình nguyện, đi du lịch, tham gia các câu lạc bộ, hội, nhóm, học một nhạc cụ nào đó, học thêm một ngoại ngữ, học lập trình,v.v… Thực sự là có rất nhiều thứ để các bạn có thể làm, giúp làm giàu thêm cuộc sống sinh viên của mình. Với mình thì hoạt động ngoài lề đáng giá nhất thời sinh viên là tham gia các câu lạc bộ tiếng anh và thực sự mình đã có quãng thời sinh viên thật đáng nhớ dù như mình nói ở trên mình chán ghét việc học trên trường.

5. Hãy học cách biết ơn và cho đi

Hồi sinh viên mình vô lo, vô nghĩ, nhiều lúc vô tâm với những người thân và những người xung quanh. Có khi cả tuần mình không gọi điện về hỏi thăm cha mẹ, ông bà ở quê. Ba mẹ có gọi điện lên thì nghe, nhiều lúc còn không nghe máy. Rồi có khi 3, 4 tháng không về quê thăm gia đình dù mình chỉ cách nhà 2 giờ chạy xe.
Giờ mình nhận ra mình cần học cách biết ơn nhiều hơn. Biết ơn cha mẹ vì đã sinh thành và chu cấp cho mình ăn học. Biết ơn những bữa cơm cha mẹ hay anh chị nấu cho mình. Biết ơn vì mình có một nơi để về. Biết ơn vì mình có một cơ thể lành lặn và khoẻ mạnh.
Học cách biết ơn và cho đi sẽ giúp cho mình biết trân quý mọi thứ xung quanh và giúp mình sống hạnh phúc hơn. Hãy nhớ lại những lần bạn giúp đỡ ai đó và được họ cảm ơn. Chỉ đơn giản như khi bạn giúp một cụ già qua đường và được cụ cảm ơn. Cảm xúc của bạn lúc ấy thế nào? Đó chính là hạnh phúc của sự cho đi.
Và hiện tại mình cũng đang cố cho đi thật nhiều bằng việc chia sẻ những kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống của mình cho các bạn trẻ. Hi vọng nó sẽ giúp các bạn tốn ít thời gian thử sai hơn trong hành trình tìm hướng đi của mình.

Theo: Tinhte.vn
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên