Gần 30 tỷ đồng hỗ trợ nghiên cứu của nhà khoa học trẻ

nhahuynh24
Bình luận: 0Lượt xem: 322

nhahuynh24

Moderator
TP HCM-Trong 25 năm, chương trình Vườn ươm khoa học trẻ đã hỗ trợ kinh phí 29,7 tỷ đồng cho 432 đề tài nghiên cứu, nhiều đề tài được công bố, ứng dụng thực tế.

Thông tin được công bố tại hội nghị tổng kết chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Thành đoàn TP HCM tổ chức chiều 16/12. Được khởi động từ năm 1996, chương trình dành cho các nhà khoa học, sinh viên tuổi 35 trở xuống với kinh phí tối đa 150 triệu mỗi đề tài. Nhà khoa học đăng ký nộp hồ sơ, sau khi sơ tuyển, hội đồng chuyên môn được thành lập để xét duyệt cấp kinh phí.

Sau 25 trển khai chương trình, hội đồng khoa học đánh giá, nhiều đề tài có tính ứng dụng cao có thể triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Trong số đó "Nghiên cứu hệ thống xử lý nước cấp cho những vùng thiên tai" của TS Nguyễn Thị Thủy, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP HCM năm 2018; Robot lặn khảo sát ngầm và lấy mẫu nước phục vụ quan trắc môi trường của TS Trần Ngọc Huy, Đại học Bách khoa TP HCM năm 2019; Chế tạo buồng khử khuẩn của ThS Tống Nhựt Phương, Đại học Bách khoa TP HCM năm 2019.

Nhiều nhà khoa học trẻ có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực đang theo đuổi. TS Huỳnh Thiên Tài, Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM cho biết, trong năm 2017 đã nhận được hỗ trợ kinh phí từ chương trình để thực hiện nghiên cứu vật liệu nền cho pin nhiên liệu. Một năm sau đó, nhóm nghiên cứu của TS Tài tiếp tục tham gia để nhận kinh phí nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.

"Tham gia chương trình nhóm đã hoàn thiện kỹ năng viết chứng minh, thuyết trình, bảo vệ đề tài trước hội đồng. Các kết quả nghiên cứu giúp nhóm có 23 bài báo đăng trên tạp chí khoa học, trong đó có 15 bài báo ISI", TS Tài nói.

Pin-nhien-lieu-2-2156-1639651510.jpg

TS Huỳnh Thiên Tài (trái) chủ nhiệm đề tài nghiên cứu về pin nhiên liệu trong phòng thí nghiệm Đại học Tài nguyên Môi trường TP HCM, tháng 8/2019. Ảnh: Hà An

Đánh giá cao kết quả chương trình, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, vườn ươm giúp bồi dưỡng và phát triển nghiên cứu khoa học trong thanh niên, góp phần cho sự phát triển thành phố. Trong giai đoạn mới, ông mong muốn chương trình tập trung các đề tài gắn với đề án lớn của thành phố như đô thị thông minh, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo... khuyến khích các giải pháp giải quyết vấn đề bức thiết của thành phố.

"Chương trình cũng cần ưu tiên các nhiệm vụ khoa học ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng 4.0 như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu, chuỗi khối... thể hiện sức trẻ nghiên cứu giúp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố", ông Dũng nói.

Giai đoạn 1996 – 2021, chương trình tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ đăng kí sơ tuyển của hơn 2.200 nhà khoa học của 70 trường viện, trong đó có 389 đề tài nghiệm thu và chuyển giao ứng dụng. Năm đầu tiên chương trình chỉ có hơn 10 đề tài đăng ký với tổng kinh phí 500 triệu, đến những năm gần đây số lượng tăng lên 150 đề tài đăng ký với kinh phí 4 tỷ đồng mỗi năm.
Từ 2017 đến nay, khi kinh phí được Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM giao Thành đoàn quản lý, đã có 435 đề tài đăng ký, trong đó 114 đề tài được cấp kinh phí. Cũng trong giai đoạn này có 51 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục ISI và Scopus và 40 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên ngành thuộc Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.

Theo: VNEXPRESS.NET
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên