Mô hình họp, học trực tuyến san lấp khó khăn về vị trí địa lý

nhahuynh24
Bình luận: 0Lượt xem: 399

nhahuynh24

Moderator
Từ hỗ trợ công việc khi không thể gặp trực tiếp trong đại dịch, mô hình họp, học trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển san lấp khó khăn về khoảng cách.

"Tôi có niềm tin chắc chắn rằng, sau đại dịch, các phần mềm giáo dục từ xa, làm việc từ xa nói chung sẽ tiếp tục phát triển rất mạnh mẽ", ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng giám đốc tập đoàn FPT, chia sẻ trong tọa đàm trực tuyến Tech Talks ngày 17/9.

"Phần mềm họp, học trực tuyến là giải pháp san lấp khó khăn về việc gặp nhau trực tiếp do đại dịch. Nhưng khi đại dịch được kiểm soát, nó sẽ là giải pháp san lấp những khó khăn về mặt khoảng cách, tạo cơ hội bình đẳng cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa vẫn có thể tiếp thu được kiến thức như bạn bè đồng trang lứa ở đô thị lớn", ông Việt Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc kinh doanh khu vực công và doanh nghiệp của Microsoft Việt Nam cho rằng họp và học trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển và theo hướng hoàn thiện hơn thành một bộ công cụ cho học và làm việc nói chung.

"Không chỉ phần mềm phục vụ cho việc họp hay học online, các bộ công cụ sẽ được tích hợp thành một nền tảng cho mỗi người đi làm, học sinh hay giáo viên tham gia cả hoạt động online và offline sau này", ông Thắng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Huấn, Giám đốc Kỹ thuật của Kaspersky khu vực Việt Nam, Myanmar và Campuchia, cho biết làm việc trực tuyến trước đây không xa lạ với các công ty toàn cầu nhưng còn mới mẻ với phần còn lại. "Các doanh nghiệp Việt Nam rồi cũng sẽ lớn mạnh, phải quốc tế hóa và phải trao đổi nhiều hơn với các đối tác quốc tế, mọi lúc, mọi nơi. Và lúc này chúng ta sẽ cần các công cụ hỗ trợ chính là những phần mềm họp, học trực tuyến", ông Huấn nói.

a1-7022-1631958830.png

Ba diễn giả trong Tech Talks phiên số 5 về "Khó khăn và cơ hội từ họp, học trực tuyến".

Các diễn giả đều cho rằng nhiều phần mềm hội thảo trực tuyến đã có từ trước đại dịch với lượng người sử dụng nhất định. Tuy nhiên, Covid-19 bùng phát trên toàn cầu vô tình khiến các nền tảng phát triển mạnh hơn. Nhìn từ khía cạnh tích cực, việc chuyển đổi số nói chung đã được thúc đẩy tăng tốc gấp nhiều lần so với dự kiến.

Chia sẻ về tham vọng của công ty khi xây dựng một ứng dụng hội thảo trực tuyến riêng cho người Việt, ông Việt Anh cho rằng có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều lợi thế. Không thể so sánh về tên tuổi, tiếng tăm trên toàn cầu với các thương hiệu lớn, nhưng các nền tảng Việt như OnMeeting có tính bản địa cao hơn, hệ thống máy chủ tại Việt Nam nên đáp ứng nhu cầu trong nước tốt hơn, nhanh hơn so với phải truyền băng thông ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các tính năng của phần mềm Việt sẽ được cập nhật nhanh hơn theo nhu cầu của người Việt.

Bàn luận về việc nhiều nền tảng họp, học trực tuyến gặp lỗi trong những ngày đầu năm học mới, ông Việt Anh cho rằng nguyên nhân là do lưu lượng tăng đột biến và ảnh hưởng từ đứt cáp quang biển. Theo thống kê của nhà mạng FPT, riêng với ứng dụng Zoom, băng thông yêu cầu tăng 2,5 lần so với trước.

Ông Việt Thắng cho rằng nghẽn mạng trong ngày khai giảng cũng giống như việc tắc đường vào ngày đầu năm học. Những sự cố như vậy ít xảy ra và việc các nền tảng vẫn đáp ứng sự mượt mà trong việc học hàng ngày mới là điều quan trọng.

Trong khi đó, ông Trọng Huấn cho rằng hiện nhiều người còn chủ quan trong việc bảo mật, sử dụng mật khẩu giống nhau và dễ đoán, gây ra các tình huống dở khóc dở cười. Ông cho rằng các doanh nghiệp, nhà trường cần chú trọng hơn vào bảo mật thông tin, thay đổi từ những cách thức, thói quen đơn giản nhất. Bảo mật cũng là vấn đề được cả ba diễn giả dành nhiều thời gian để chia sẻ và cho rằng đây là yêu cầu cấp thiết khi muốn phát triển các nền tảng này lâu dài.

Khẳng định học và làm việc từ xa sẽ là mô hình được sử dụng trong tương lai, nhưng cả ông Việt Anh và ông Việt Thắng đều cho rằng cần có sự phân bổ hợp lý giữa hai hình thức online và offline.

Làm việc online có nhiều tính tiện lợi nhưng sự giao tiếp vẫn đóng vai trò quan trọng trong văn hóa công ty, tăng hiệu quả sáng tạo công việc. Đại diện của FPT cho rằng các công ty, trường học cần tính đến phương án tỷ lệ như 80 - 20 hay 70 - 30 giữa hai hình thức để phù hợp và linh hoạt với đặc thù riêng.

Còn trong giáo dục, việc phát triển thêm phương thức học online sẽ giúp nhiều người có thể chủ động về thời gian, địa điểm khi muốn tiếp thu kiến thức. "Chúng ta có thể học tập trọn đời, tính chủ động, tính lựa chọn cá nhân sẽ được tôn trọng và nâng lên thành xu hướng được phục vụ bởi nền tảng công nghệ", ông Thắng nói.

Theo: VNEXPRESS.NET
 

Bạn hãy đăng nhập hoặc đăng ký để phản hồi tại đây nhé.

Bên trên