TTO - Nhiều đêm khuân vác 'giải cứu' hàng chục tấn khoai lang tím, chị Trần Thị Hà Thanh nghĩ mãi làm sao để khoai lang tím sẽ không còn phải giải cứu nữa?
Sản phẩm vang khoai lang tím tại hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh thành năm 2021 - Ảnh: C.K.
Tháng 5-2021, khi vụ khoai lang tím của nông dân miền Tây vào độ thu hoạch trùng vào đợt dịch bệnh COVID-19, việc tìm kiếm đầu ra rất khó khăn. Đoàn khối ngân hàng TP.HCM và Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ Thành đoàn TP.HCM đã kết nối cộng đồng giải cứu khoai cho người dân.
Ý tưởng ra đời từ những ngày tình nguyện
Những bạn trẻ của Đoàn khối ngân hàng TP đã lên đường kết nối đưa nông sản từ Đà Lạt về TP.HCM tặng miễn phí, giúp bà con ở những khu phong tỏa, cách ly của TP có thêm thực phẩm trong mỗi bữa ăn.
Ngoài ra, các bạn Đoàn khối ngân hàng còn làm ra những thức uống như sữa khoai lang tím tặng các tình nguyện viên tại các chốt chặn, gửi tặng tuyến đầu chống dịch.
"Thời điểm đó ngoài giờ làm việc online, tụi mình dành hết thời gian để hoạt động tình nguyện, giải cứu hàng chục tấn khoai lang tím. Rủ mọi người cùng mua cho gia đình, rồi có nhiều nhóm còn mua tặng các cơ sở xã hội, các bếp ăn từ thiện...
Tụi mình nhiều đêm khuân vác hàng chục tấn nông sản là chuyện thường diễn ra. Nhưng nghĩ mãi làm sao để khoai lang tím sẽ không còn phải giải cứu nữa" - chị Trần Thị Hà Thanh, bí thư Đoàn khối ngân hàng TP.HCM, kể.
Vừa làm, chị vừa nhớ đến một người quen làm chủ lò rượu vang ở Bình Định. "Thế là mình gọi cho cô nàng gợi ý thử làm vang từ khoai lang tím. Nếu được thì bài toán đầu ra cho khoai lang tím về lâu dài sẽ ổn hơn" - chị Thanh nói.
Gọi vốn cho 1.000 chai vang đầu tiên
Nghe ý tưởng, Trương Thị Xuân Hòa - cô chủ lò rượu đang sản xuất dòng rượu vang nếp nhiều năm qua - liền gật đầu thực hiện. "Mới đầu để gọi vốn cho 1.000 chai vang từ khoai lang tím, chúng tôi đã kêu gọi mọi người mua sản phẩm dưới hình thức trả tiền trước.
Hơn 300 khách hàng đầu tiên đã không ngại ngần góp vốn để khi nào có thành phẩm sẽ sử dụng. Các bạn bên Đoàn khối ngân hàng TP đã đặt gạch 250 chai, chiếm một phần tư số lượng dự kiến sản xuất ban đầu. Chính những sự ủng hộ ấy khiến tôi và mọi người trong công ty tiếp tục nghiên cứu và làm ra vang khoai lang tím" - chị Xuân Hòa bày tỏ.
Gần chục mẻ khoai lang lên men, dù kỳ công từ khâu chọn lựa những củ khoai to tròn, hấp chín, ủ men... nhưng sản phẩm chưa ưng ý. Mỗi mẻ đều cho nhóm chút kinh nghiệm để khi ra thành phẩm được xem là hoàn hảo như hiện nay, những giọt vang đượm mùi thơm, mang màu tím phơn phớt nhìn rất đẹp.
Sáu tấn khoai lang tím đã được ủ men trong đợt đầu tiên thực hiện 1.000 chai vang. "Động lực để tôi thêm quyết tâm là bởi nông sản của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, mà người nông dân lại cần cù, chịu thương chịu khó và tôi chỉ mong sao không còn cảnh giải cứu bất kỳ loại nông sản nào", chị Hòa chia sẻ.
Theo chị Hòa, làm ra vang khoai lang không khó vì trong khoai lang có sẵn ưu điểm phù hợp. Tuy nhiên vì là lần đầu nên cũng có những trục trặc để nhóm rút kinh nghiệm làm tốt hơn.
"Tôi dựa trên nguyên lý những gì có hàm lượng tinh bột cao, lượng đường cao là có thể làm rượu vang được. Khi bắt tay vào làm là quên hết lo lắng mà chỉ cảm thấy rất hào hứng với trải nghiệm mới", chị Hòa cho hay.
Chị Hòa cho biết giống khoai tím giàu chất tạo màu chống oxy hóa có tên là anthocyanin, các loại khoáng chất như: sắt, kali, vitamin C và axit folic nên có tác dụng chống lão hóa da, ngăn ngừa mỏi mắt, giảm huyết áp, tốt cho tim mạch.
"Nhiều khách đề nghị hợp tác giỏ quà Tết có vang khoai lang nhưng tôi muốn giữ cam kết với dự án 1.000 chai đầu tiên gửi đến những khách hàng đã tin tưởng và ủng hộ dự án từ lúc thai nghén. Đó cũng là cách mình mong muốn có được thêm tình yêu thương của khách hàng để 'em bé sơ sinh' được cất tiếng khóc chào đời. Tôi rất hạnh phúc với quyết định cho ra đời dòng sản phẩm vang mới lạ này", chị Hòa chia sẻ.
Chị Trần Thị Hà Thanh cho biết sản phẩm đã được nhóm mang đi giới thiệu ở hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2021 do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với sở công thương các tỉnh thành tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ đầu tháng 12. Nhiều khách hàng ghé tìm hiểu và mua về thưởng thức.
"Tôi hy vọng đây là cách nâng tầm giá trị nông sản Việt, giúp người nông dân một nắng hai sương sẽ không còn rơi vào cảnh được mùa mất giá nữa. Nếu dự án phát triển, cần mở rộng quy mô, chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ như: khai thác vốn vay và có thể giới thiệu sản phẩm cho mọi người biết đến" - chị Thanh nói.
Ý tưởng ra đời từ những ngày tình nguyện
Những bạn trẻ của Đoàn khối ngân hàng TP đã lên đường kết nối đưa nông sản từ Đà Lạt về TP.HCM tặng miễn phí, giúp bà con ở những khu phong tỏa, cách ly của TP có thêm thực phẩm trong mỗi bữa ăn.
Ngoài ra, các bạn Đoàn khối ngân hàng còn làm ra những thức uống như sữa khoai lang tím tặng các tình nguyện viên tại các chốt chặn, gửi tặng tuyến đầu chống dịch.
"Thời điểm đó ngoài giờ làm việc online, tụi mình dành hết thời gian để hoạt động tình nguyện, giải cứu hàng chục tấn khoai lang tím. Rủ mọi người cùng mua cho gia đình, rồi có nhiều nhóm còn mua tặng các cơ sở xã hội, các bếp ăn từ thiện...
Tụi mình nhiều đêm khuân vác hàng chục tấn nông sản là chuyện thường diễn ra. Nhưng nghĩ mãi làm sao để khoai lang tím sẽ không còn phải giải cứu nữa" - chị Trần Thị Hà Thanh, bí thư Đoàn khối ngân hàng TP.HCM, kể.
Vừa làm, chị vừa nhớ đến một người quen làm chủ lò rượu vang ở Bình Định. "Thế là mình gọi cho cô nàng gợi ý thử làm vang từ khoai lang tím. Nếu được thì bài toán đầu ra cho khoai lang tím về lâu dài sẽ ổn hơn" - chị Thanh nói.
Gọi vốn cho 1.000 chai vang đầu tiên
Nghe ý tưởng, Trương Thị Xuân Hòa - cô chủ lò rượu đang sản xuất dòng rượu vang nếp nhiều năm qua - liền gật đầu thực hiện. "Mới đầu để gọi vốn cho 1.000 chai vang từ khoai lang tím, chúng tôi đã kêu gọi mọi người mua sản phẩm dưới hình thức trả tiền trước.
Hơn 300 khách hàng đầu tiên đã không ngại ngần góp vốn để khi nào có thành phẩm sẽ sử dụng. Các bạn bên Đoàn khối ngân hàng TP đã đặt gạch 250 chai, chiếm một phần tư số lượng dự kiến sản xuất ban đầu. Chính những sự ủng hộ ấy khiến tôi và mọi người trong công ty tiếp tục nghiên cứu và làm ra vang khoai lang tím" - chị Xuân Hòa bày tỏ.
Gần chục mẻ khoai lang lên men, dù kỳ công từ khâu chọn lựa những củ khoai to tròn, hấp chín, ủ men... nhưng sản phẩm chưa ưng ý. Mỗi mẻ đều cho nhóm chút kinh nghiệm để khi ra thành phẩm được xem là hoàn hảo như hiện nay, những giọt vang đượm mùi thơm, mang màu tím phơn phớt nhìn rất đẹp.
Sáu tấn khoai lang tím đã được ủ men trong đợt đầu tiên thực hiện 1.000 chai vang. "Động lực để tôi thêm quyết tâm là bởi nông sản của Việt Nam rất đa dạng, phong phú, mà người nông dân lại cần cù, chịu thương chịu khó và tôi chỉ mong sao không còn cảnh giải cứu bất kỳ loại nông sản nào", chị Hòa chia sẻ.
Theo chị Hòa, làm ra vang khoai lang không khó vì trong khoai lang có sẵn ưu điểm phù hợp. Tuy nhiên vì là lần đầu nên cũng có những trục trặc để nhóm rút kinh nghiệm làm tốt hơn.
"Tôi dựa trên nguyên lý những gì có hàm lượng tinh bột cao, lượng đường cao là có thể làm rượu vang được. Khi bắt tay vào làm là quên hết lo lắng mà chỉ cảm thấy rất hào hứng với trải nghiệm mới", chị Hòa cho hay.
Chị Hòa cho biết giống khoai tím giàu chất tạo màu chống oxy hóa có tên là anthocyanin, các loại khoáng chất như: sắt, kali, vitamin C và axit folic nên có tác dụng chống lão hóa da, ngăn ngừa mỏi mắt, giảm huyết áp, tốt cho tim mạch.
"Nhiều khách đề nghị hợp tác giỏ quà Tết có vang khoai lang nhưng tôi muốn giữ cam kết với dự án 1.000 chai đầu tiên gửi đến những khách hàng đã tin tưởng và ủng hộ dự án từ lúc thai nghén. Đó cũng là cách mình mong muốn có được thêm tình yêu thương của khách hàng để 'em bé sơ sinh' được cất tiếng khóc chào đời. Tôi rất hạnh phúc với quyết định cho ra đời dòng sản phẩm vang mới lạ này", chị Hòa chia sẻ.
Chị Trần Thị Hà Thanh cho biết sản phẩm đã được nhóm mang đi giới thiệu ở hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2021 do Sở Công thương TP.HCM phối hợp với sở công thương các tỉnh thành tổ chức tại nhà thi đấu Phú Thọ đầu tháng 12. Nhiều khách hàng ghé tìm hiểu và mua về thưởng thức.
"Tôi hy vọng đây là cách nâng tầm giá trị nông sản Việt, giúp người nông dân một nắng hai sương sẽ không còn rơi vào cảnh được mùa mất giá nữa. Nếu dự án phát triển, cần mở rộng quy mô, chúng tôi sẽ tìm cách hỗ trợ như: khai thác vốn vay và có thể giới thiệu sản phẩm cho mọi người biết đến" - chị Thanh nói.