nhahuynh24
Moderator
Thị trường bắt đầu bùng nổ
Càng ngày càng có nhiều người mua xe điện (electric vehicle) vì khi giá pin giảm, giá xe sẽ giảm. So với ô tô động cơ đốt trong thường gây khó chịu khi lái xe và bảo dưỡng, ô tô điện thực sự là giấc mơ của những người yêu cảm giác mạnh. Nhưng chuyển đổi sang xe điện không đơn giản chỉ là sự vui vẻ hứng khởi khi cầm lái. Giao thông vận tải chiếm khoảng một phần tư lượng khí thải carbon của thế giới và phương tiện giao thông đường bộ chiếm khoảng ba phần tư tỷ lệ đó. Nếu chúng ta muốn đạt đến net-zero (net-zero chỉ đến việc đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính được tạo ra và lượng khí nhà kính được loại bỏ khỏi bầu khí quyển) vào năm 2050, các phương tiện điện cần sớm thay thế các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong.6 triệu người mua xe điện trong năm nay chỉ chiếm 8% tổng số người mua xe hơi nói chung. Con số đó phải tăng lên 2/3 vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Nhiều nhà đầu tư suy nghĩ rằng điều này sẽ diễn ra suôn sẻ giống như một chiếc Tesla đang tăng tốc. Giá trị thị trường tăng vọt của Tesla, những kẻ mới gia nhập cuộc chơi đầy tham vọng như Rivian, và các hãng xe sang của Trung Quốc, là minh chứng cho sự tự tin rất cao này. Các nhà sản xuất pin điện cũng đang bùng nổ.
Vấn đề bắt đầu xuất hiện
Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, nút thắt cổ chai đã xuất hiện. Ngay cả những người đang có ý định mua một chiếc xe điện mới cũng không nhận thức đầy đủ về điều đó. Các chính phủ cũng mới chỉ phần nào nhận ra vấn đề này mà thôi. Nói một cách đơn giản: tất cả xe điện sẽ được sạc như thế nào? Số lượng bộ sạc công cộng hiện tại — 1,3 triệu — không thể đáp ứng nhu cầu của đội xe điện đang gia tăng số lượng nhanh chóng trên toàn cầu. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA), vào cuối thập kỷ này, thế giới cần đến 40 triệu điểm sạc công cộng, đòi hỏi 90 tỷ đô-la đầu tư hàng năm cho đến năm 2030. Nếu các mục tiêu net-zero cần đạt được vào năm 2050, thế giới cần 200 triệu điểm sạc.Các cam kết hiện tại của các chính phủ trong việc loại bỏ xe chạy xăng và chuyển sang xe chạy điện chưa hoàn toàn phù hợp với net-zero. Mặc dù vậy, ngay cả khi các phương tiện chạy điện vẫn chưa đông đảo như mong đợi của chúng ta, số tiền mà thế giới cần chi cho cơ sở hạ tầng sạc vẫn rất nhiều. Trong một kịch bản dễ chịu hơn được dự báo bởi Bloombergnef (BNEF), cần đầu tư khoảng 600 tỷ đô-la cho đến năm 2040. Nếu net-zero đạt được vào năm 2050, BNEF dự báo tổng số tiền đầu tư là 1.600 tỷ đô-la.
Những lo lắng chính đáng
Người chạy xe điện cũng có thể cảm nhận được những rắc rối và phiền toái khi sử dụng. Lo lắng về quãng đường đi được và sự sẵn có của trạm sạc công cộng là một vấn đề lớn. Trong một cuộc khảo sát gần đây của AlixPartners, một công ty tư vấn, tại bảy quốc gia chiếm 85% doanh số bán xe điện toàn cầu, giá xe cao đứng thứ ba trong danh sách năm lý do hàng đầu không chuyển sang sử dụng xe điện; bốn lý do khác đều liên quan đến lo lắng về sạc pin.Hãy bắt đầu với những điều cơ bản. Một lợi thế lớn của xe điện là chúng có thể được sạc tại nhà — hoặc tại nơi làm việc, nếu công ty có lắp đặt bộ sạc. Ở Mỹ, 70% số nhà có bãi đậu xe ngoài đường, nơi có thể lắp bộ sạc (ở châu Âu và Trung Quốc thì ít hơn). Người ta tính được rằng trong năm 2020, sạc tại nhà và nơi làm việc chiếm gần 3/4 tổng lượng năng lượng sạc sử dụng ở Mỹ, 7/10 ở Châu Âu và 3/5 ở Trung Quốc.
Các mẫu xe điện hiện tại thường có pin đi được khoảng 400 km. Một số đi hơn 650km. Người Mỹ trung bình lái xe 50 km một ngày. Người châu Âu và Trung Quốc lái xe ít hơn. Hai cách sạc này đủ tốt để nạp điện cho xe qua đêm tại nhà hoặc trong ngày làm việc. Tốc độ sạc chậm nhất, cung cấp phạm vi di chuyển lên đến 8 km một giờ sạc, có thể đủ để làm chuyện này. Các bộ sạc “cấp 2” cung cấp từ 16-32 km mỗi giờ sạc cũng đủ để dùng. Cả hai cách sạc này đều dễ chịu với túi tiền. Chủ xe có thể sử dụng các ổ cắm chuyên dụng có giá vài trăm đô-la (và thường được chính phủ trợ cấp) để khai thác mức giá điện rẻ nhất.
Mở rộng mạng lưới
Tuy nhiên, tính năng sạc tại nhà và nơi làm việc chỉ giúp bạn đến đó thôi. Khi việc sở hữu xe điện được mở rộng từ các hộ gia đình giàu có sang những người sống trong căn hộ hoặc nhà ở mà không có khả năng cắm sạc, một mạng lưới trạm sạc công cộng trở nên quan trọng bao giờ hết. Bộ sạc công cộng có ba loại. Loại đầu tiên là sạc vỉa hè, thông qua cột đèn được chuyển đổi hoặc các điểm chuyên dụng khác, nơi ô tô có thể đậu qua đêm. Tiếp theo là loại sạc tại "điểm đến", loại này đang trở nên phổ biến hơn trong các bãi đỗ xe tại các trung tâm mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim và những nơi tương tự. Cả hai loại đều là cấp độ 2, với chi phí lắp đặt thường từ 2.000 đến 10.000 đô-la cho mỗi điểm.Loại cuối cùng là sạc nhanh, thường tăng thêm 100-130 km quãng đường đi được sau mỗi 20 phút sạc, rất quan trọng đối với người chạy xe liên thành phố và hoặc những người cần đi gấp. Các phương tiện thương mại chạy quãng đường dài hơn, chẳng hạn như taxi, cũng cần sạc nhanh. Nhưng vì các công ty sạc cần phải bù lại chi phí khổng lồ từ 100.000 đô-la trở lên cho mỗi bộ sạc nhanh, nên việc sử dụng các thiết bị như vậy là rất tốn kém. Để làm cho cuộc sống của khách hàng trở nên dễ dàng hơn, phần mềm lập bản đồ của Tesla sẽ hướng những chiếc xe của hãng đi trên những tuyến đường dài và tìm ra lộ trình tốt nhất thông qua mạng “Supercharger” riêng của hãng. Những người trong ngành sạc chỉ ra một cách hợp lý rằng cả việc sở hữu xe điện và câu chuyện sạc pin đều đang ở giai đoạn sơ khai. Họ lập luận rằng sự bi quan là không có cơ sở, chỉ dựa trên một vài năm ngắn ngủi của công nghiệp xe điện. Rốt cuộc, chỉ có một trong số 100 chiếc ô tô là xe điện. Đây chỉ là sự khởi đầu của “một chặng đường 20 năm”.
Một vấn đề khác là cấu trúc của ngành. Việc phải phối hợp và xin phép nhiều bên làm việc triển khai điểm sạc chậm. Đầu tiên, có những công ty tự sản xuất bộ sạc. Sau đó là các nhà khai thác. Những người này có thể sở hữu điểm sạc và kiếm tiền từ việc sạc. Hoặc họ có thể thu phí duy trì bộ sạc do chủ sở hữu điểm sạc vận hành. Chủ sở hữu điểm sạc, thường là doanh nghiệp, chủ nhà hoặc chính quyền địa phương, cung cấp địa điểm cho bộ sạc và tính tiền thuê cho các nhà khai thác sở hữu điểm sạc đó. Các nhà cung cấp dịch vụ là những người trung gian cho phép việc sạc có thể thực hiện được, với các ứng dụng trên điện thoại hoặc thẻ cho phép truy cập vào các điểm sạc và tiến hành thanh toán. Nói chung một mâm có rất nhiều bên. Ai cũng muốn có phần trong miếng bánh này.
Ai đang nắm lợi thế
Ba loại công ty đang có lợi thế để thống trị ngành công nghiệp sạc xe điện. Đầu tiên là Tesla. Tesla đã không tiết lộ số tiền họ đã chi cho mạng "Supercharger" của mình, hiện đạt 30.000 điểm trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ là vài tỷ đô-la. Các hãng xe hơi khác cũng đang theo sau. Tiếp theo là các công ty chuyên về sạc. Cho dù đang mở rộng phạm vi nhưng chưa có công ty nào có lợi nhuận và doanh thu của họ hiện tại rất nhỏ, nhưng giá trị thị trường thì đang tăng lên. Được định giá cao nhất (khoảng 7 tỷ đô-la) là ChargePoint, công ty kiểm soát 44% thị trường sạc công cộng của Mỹ và đang mở rộng ở châu Âu. evBox, một công ty của Hà Lan, có 300.000 điểm trên toàn thế giới, bao gồm một phần tư số điểm sạc công cộng cấp 2 ở châu Âu và một phần ba số điểm sạc nhanh. EVGO chiếm một nửa thị trường sạc nhanh ở Mỹ (không bao gồm Tesla). Nhưng trong thập kỷ tới, các công ty chuyên về sạc sẽ phải tìm ra các mô hình kinh doanh để tạo ra lợi nhuận một cách bền vững ngay cả khi các chính phủ cắt giảm trợ cấp.Loại thứ ba là các công ty năng lượng. Lo sợ kinh doanh tại các trạm xăng dầu bị thua lỗ, họ đang có các kế hoạch đầy tham vọng. Ví dụ Royal Dutch Shell cho biết họ dự định triển khai 500.000 điểm sạc trên khắp thế giới vào năm 2025, cả sạc vỉa hè và sạc nhanh.
Cần bàn tay của chính phủ
Các chính phủ sẽ hành động. Luật cơ sở hạ tầng mới của Mỹ dành 7,5 tỷ đô-la cho việc lắp đặt 500.000 điểm sạc công cộng vào năm 2030. Một lý do cho sự lạc quan là những cải tiến trong công nghệ pin sẽ tiếp tục cung cấp quãng đường đi được dài hơn và do đó ít cần sạc thường xuyên hơn. Pin mới hơn sẽ được nạp nhanh hơn hiện nay và bộ sạc sẽ cung cấp dòng điện nhanh hơn.Tuy nhiên, những nghi ngờ về sự tăng trưởng này vẫn tồn tại. Những con số này vẫn còn nhỏ so với quy mô mạng lưới điểm sạc mà thế giới cần. Sẽ cần nhiều tiền hơn để nâng cấp lưới điện nhằm phân phối điện cho nhu cầu mới. Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, nơi sinh sống của hầu hết người dân trên thế giới, sẽ chỉ có 6,5 triệu bộ sạc công cộng vào năm 2030 — không đủ để đáp ứng con số 40 triệu bộ sạc mà thế giới cần. Như vậy, những ai muốn trải nghiệm cảm giác mạnh của một chiếc xe điện cần phải kiên nhẫn.
Theo: Tinhte.vn